EU nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận về mức giá trần sản phẩm dầu Nga

Mức giá trần cho các sản phẩm dầu Nga phải được toàn bộ 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua, do đó, đại diện các nước sẽ nhóm họp vào ngày 3/2 để đạt được một thỏa thuận.
EU nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận về mức giá trần sản phẩm dầu Nga ảnh 1Một cơ sở lọc dầu tại khu vực Slonim. (Ảnh: TASS/TTXVN)

Các nhà ngoại giao châu Âu cho biết các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ tìm kiếm một thỏa thuận vào ngày 3/2 liên quan đến đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) về việc áp giá trần cho các sản phẩm dầu Nga, sau khi hoãn quyết định hôm 1/2 trong bối cảnh có sự bất đồng giữa các quốc gia thành viên.

Tuần trước, EC đã đề xuất rằng từ 5/2, EU sẽ áp đặt mức giá trần là 100 USD/thùng đối với các sản phẩm dầu cao cấp của Nga như dầu diesel và mức trần 45 USD/thùng đối với các sản phẩm giảm giá như dầu nhiên liệu.

Hãng tin Reuters dẫn lời ba nhà ngoại giao cho biết mức giá trần phải được toàn bộ 27 thành viên EU thông qua. Do đó, đại diện các nước sẽ nhóm họp vào ngày 3/2 để đạt được một thỏa thuận.

Ngày 1/2, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol, trả lời trước báo giới tại Ottawa đã nhắc lại ràng ông ủng hộ mức giá trần của EU và không hy vọng đề xuất này sẽ gặp phải vấn đề hay gián đoạn lớn nào.

Ông Birol cho hay có thể có một số khó khăn trong quá trình chuyển đổi, song từ nửa cuối năm 2023, sẽ có một lượng lớn dầu được bơm vào thị trường và sẽ có nhiều sự thay đổi trong phân phối sản phẩm trên thế giới.

[Mỹ đánh giá việc áp giá trần đối với dầu Nga có hiệu quả]

Các nhà ngoại giao trên cho biết Ba Lan và ba quốc gia vùng Baltic vẫn đang thúc đẩy việc áp đặt giới hạn ở mức thấp hơn để hạn chế doanh thu mà Nga nhận được từ việc bán nhiên liệu càng nhiều càng tốt.

Tuy nhiên, một nhà giao giao lưu ý rằng EU có khả năng giới hạn trong việc thay đổi mức giá trần vì đây là một thỏa thuận rộng lớn giữa các quốc gia Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga và mức giá trần dự kiến được đưa ra vào ngày 5/2 là dựa trên mức giá trần 60 USD/thùng được áp dụng từ ngày 5/12 trong bối cảnh EU và các nước G7 tìm cách hạn chế khả năng thu lợi nhuận của Nga.

Hai mức giá trần này đều có tác dụng cấm các công ty vận chuyển và bảo hiểm phương Tây bảo hiểm hoặc vận chuyển hàng hóa dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga nếu chúng không được mua ở mức giá trần hoặc dưới mức giá quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.