Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến trong ngày 27/5 (giờ địa phương) sẽ công bố một kế hoạch nhằm giúp nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) phục hồi sau đại dịch COVID-19, với một loạt khoản trợ cấp, tín dụng và bảo lãnh lên đến hơn 1.000 tỷ euro.
Mục đích của kế hoạch trên là giúp các nước và các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 phục hồi nhanh chóng, và bảo vệ thị trường chung gồm 450 triệu dân của EU không bị chia rẽ bởi sự chênh lệch trong tăng trưởng kinh tế và mức độ thịnh vượng, khi khối này phục hồi từ đợt suy thoái sâu nhất từ trước đến nay được dự đoán sẽ diễn ra trong năm nay.
Đây là một kế hoạch cần thiết vì các nước như Italy, Hy Lạp, Pháp, Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha, với gánh nặng nợ cao và sự phụ thuộc nặng nề vào du lịch, sẽ khó khăn hơn các nước tiết kiệm hơn ở phía Bắc trong việc tái khởi động nền kinh tế thông qua việc đi vay.
Điểm gây tranh cãi trong kế hoạch nói trên là EC sẽ đi vay vốn giá rẻ trên thị trường và sau đó cấp một phần số tiền đi vay cho những nước cần vốn nhất, chứ không phải là cho các nước này vay lại.
[EU cần đoàn kết hỗ trợ các ngân hàng vượt qua khủng hoảng COVID-19]
EC đã có được sự ủng hộ quan trọng từ Đức và Pháp đối với việc huy động 500 tỷ euro (550 tỷ USD) trên các thị trường tài chính.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng ủng hộ EU hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh bằng các khoản trợ cấp thay vì cho vay. Đây là một sự thay đổi trong lập trường chính sách của Berlin.
Nhưng nguồn vốn cho kế hoạch nói trên, được xem là nợ chung của EU, là vấn đề gây lo ngại cho các nước Hà Lan, Thụy Điển, Áo và Đan Mạch.
EU phải hoàn trả số nợ này, đồng nghĩa với việc các khoản đóng góp của các nước vào ngân sách EU sẽ tăng lên hay sẽ có các khoản thuế mới được ban hành.
Bốn nước này phản đối mạnh mẽ việc hỗ trợ cho các nước thông qua trợ cấp và họ muốn hình thức cho vay kèm theo các điều kiện và sự giám sát nghiêm ngặt hơn.
Trước tiên, Chủ tịch EC Von der Leyen sẽ trình kế hoạch nói trên lên Nghị viện châu Âu (EP) trước khi chủ trì một buổi họp báo về kế hoạch này, và sau đó sẽ dành nhiều thời gian để đàm phán với các nước EU và các nghị sỹ trong EP.
Nhiều quan chức ngoại giao dự đoán các cuộc đàm phán này sẽ kéo dài ít nhất đến tháng Bảy, trong khi giới chuyên gia cho rằng các bên sẽ không thể đi đến đồng thuận trước tháng 9./.