Liên minh châu Âu (EU) coi việc Việt Nam vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng đầu của EU trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chính là minh chứng sống động cho thành công của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Cao ủy Thương mại EU, Valdis Dombrovskis tại Phiên họp lần thứ ba, Ủy ban Thương mại EVFTA diễn ra sáng ngày 1/12 tại thủ đô Brussels của Bỉ.
EVFTA là một trong những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đầu tiên của Việt Nam và cũng là hiệp định FTA thế hệ mới đầu tiên EU ký với một nước đang phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nên đây là hiệp định được cả hai bên quan tâm trong quá trình thực thi.
Sau một thời gian phải tổ chức họp trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh, đây là phiên họp trực tiếp đầu tiên kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Phiên họp được tiến hành dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Cao ủy Thương mại EU, Valdis Dombrovskis. Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bao gồm đại diện các bộ Công Thương, Ngoại giao, Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông Vận tải, Công an và Y tế.
Mốc ba năm là giai đoạn quan trọng cho quá trình thực thi EVFTA do phần lớn các nghĩa vụ đều được thực thi trong giai đoạn này. Tại phiên họp, hai bên đã rà soát toàn diện tình hình thực thi hiệp định trong các lĩnh vực liên quan đến thương mại hàng hóa, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật, thương mại và phát triển bền vững… cũng như thảo luận về định hướng xử lý, hợp tác triển khai đối với các vấn đề hai bên cùng quan tâm.
3 năm EVFTA: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với các nước Bắc Âu
Nhiều nước ASEAN khác cũng đang thảo luận với EU về khả năng đàm phán FTA với EU để thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư của EU với khu vực. EU đánh giá cao việc Việt Nam đã thực thi nghiêm túc nhiều nghĩa vụ mới, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thành lập Nhóm tư vấn trong nước (DAG) về phát triển bền vững, ban hành Bộ luật Lao động sửa đổi, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi…
Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis đề nghị Việt Nam tiếp tục các nỗ lực của mình trong quá trình thực thi hiệp định, đặc biệt trong lĩnh vực lao động-công đoàn, dược phẩm, đăng kiểm ôtô nhập khẩu từ EU, phê duyệt nông sản nhập khẩu từ EU...
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng hoan nghênh quá trình thực thi thành công Hiệp định EVFTA trong ba năm đầu tiên. Trong thời gian tới, nếu Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) được phía EU phê chuẩn thì chắc chắn quan hệ thương mại giữa hai bên sẽ có tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Phía Việt Nam khẳng định sẽ thực thi nghiêm túc các cam kết trong EVFTA, đặc biệt là các lĩnh vực EU quan tâm.
Bên cạnh các nội dung song phương, hai bên cũng đã trao đổi về các vấn đề đa phương như hợp tác khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, việc cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các vấn đề chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới lần thứ 13 (MC13) tại Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vào tháng 2/2024.
Theo thứ tự luân phiên, trong năm 2024, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức phiên họp Ủy ban Thương mại lần thứ tư và các phiên họp của các ủy ban chuyên môn liên quan của Hiệp định EVFTA.
Bà Mariella Cantagalli, chuyên viên cao cấp Tổng vụ thương mại Ủy ban châu Âu, cho biết cuộc họp diễn ra mang tính xây dựng một lần nữa là minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa EU và Việt Nam. Hiệp định EVFTA rất tích cực đối với hai bên. Đây là một hiệp định có đầy đủ khả năng thúc đẩy trao đổi thương mại giữa 27 quốc gia EU và các doanh nghiệp châu Âu với các doanh nghiệp Việt Nam.
Sau ba năm thực thi Hiệp định EVFTA, theo số liệu của EU, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 50%, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại đứng đầu trong số các nước ASEAN.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu thì mức tăng nhiều nhất là ở các mặt hàng nông nghiệp như gạo, hạt điều, hạt tiêu, cao su. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ EU cũng tăng hơn 40%.
Các mặt hàng nhập khẩu từ EU có sự gia tăng về kim ngạch gồm máy móc, phụ tùng, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, sữa và các sản phẩm từ sữa, bánh kẹo./.