Eurozone nhất trí với IMF về thỏa thuận giảm nợ cho Hy Lạp

Các Bộ trưởng Tài chính Eurozone đã nhất trí với Hy Lạp và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một thỏa thuận, theo đó sẽ giải quyết những đề nghị của Athens về giảm nợ cho nước này.
Eurozone nhất trí với IMF về thỏa thuận giảm nợ cho Hy Lạp ảnh 1(Nguồn: AFP)

Ngày 25/5, Nhóm 19 bộ trưởng tài chính của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) đã đạt được thỏa thuận quan trọng với Hy Lạp, theo đó nhất trí giải ngân 10,3 tỷ euro (12 tỷ USD) trong gói cứu trợ mới và bắt đầu tiến hành cơ cấu lại nợ cho Athens theo yêu cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Phát biểu sau khi kết thúc các cuộc đàm phán kéo dài hai ngày tại Brussels (Bỉ), Chủ tịch Eurogroup, đồng thời là Bộ trưởng Tài chính Hà Lan, Jeroen Dijsselbloem nhấn mạnh đây là thời khắc quan trọng đánh dấu những nỗ lực “thắt lưng buộc bụng” và cải cách thuế trong thời gian dài vừa qua của Hy Lạp.

Bên cạnh đó, thỏa thuận trên còn có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả các bên tham gia cuộc đàm phán này khi mà vào mùa Hè năm ngoái niềm tin giữa các bên rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.

Ông Dijsselbloem khẳng định các bộ trưởng 19 quốc gia thành viên Eurozone đã nhất trí giải ngân 10,3 tỷ euro cho Hy Lạp sau khi hoàn tất đợt đánh giá đầu tiên đối với gói cứu trợ thứ 3 trị giá 86 tỷ euro dành cho nước này vốn được thông qua hồi tháng Bảy năm ngoái.

Với việc Hy Lạp cần có tiền để thanh toán đúng thời hạn cho phía Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hai khoản vay nợ khổng lồ trước đó với giá trị tổng cộng lên tới 240 tỷ euro, Chủ tịch ECB cho biết các chủ nợ của quốc gia Nam Âu này sẽ lần lượt giải ngân khoản tiền trên thành hai đợt, đợt đầu 7,5 tỷ euro vào tháng Sáu tới và đợt thứ hai là hơn 2,5 tỷ euro vào tháng Chín sau đó.

Ông Dijsselbloem cũng bày tỏ niềm vui khi nhận được thông báo chính thức của IMF xác nhận rằng định chế tài chính này sẽ tham gia vào chương trình cứu trợ Hy Lạp.

Trước đó, IMF đánh giá với mức nợ công hiện cao tới 180% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Hy Lạp khó có khả năng chi trả và cần được giảm nợ. Mới đây nhất hôm 23/5 vừa qua, IMF cũng công bố báo cáo nhấn mạnh nếu không được tái cấu trúc nợ, Hy Lạp có thể phải "oằn mình cõng” khoản nợ công lên đến 250% GDP vào năm 2060./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.