Eurozone xem xét kế hoạch hỗ trợ năng lượng khi kinh tế suy thoái

Vào tháng 10 vừa qua, các bộ trưởng Eurozone đã nhất trí rằng việc các chính phủ trợ giá về năng lượng nên tập trung vào một nhóm đối tượng và chỉ mang tính tạm thời.
Bơm xăng cho các phương tiện tại trạm xăng dầu ở Marseille, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh giá năng lượng leo thang, trong ngày 7/11, các Bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ thảo luận về cách phối hợp hỗ trợ tốt hơn cho các nền kinh tế nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới ngân sách năm 2023, cũng như chuẩn bị tốt hơn cho nguy cơ suy thoái.

Vào tháng 9, Đức đã công bố kế hoạch hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp trị giá lên đến 200 tỷ euro (198,7 tỷ USD) - quy mô ít quốc gia có thể theo kịp và gây lo ngại sẽ ảnh hưởng đến sự cạnh tranh công bằng trong thị trường chung Liên minh châu Âu (EU).

Các nước EU khác cũng đã công bố kế hoạch hỗ trợ, nhưng với số tiền nhỏ hơn.

Những kế hoạch như vậy sẽ đóng vai trò như biện pháp kích thích tài chính, không chỉ làm tăng nợ công vốn đã lớn ở 19 quốc gia của Eurozone, mà còn gây khó khăn cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc chống lạm phát, vốn đã lên tới 10,7% vào tháng 10.

Do đó, vào tháng 9 và tháng 10 vừa qua, các bộ trưởng Eurozone đã nhất trí rằng sự giúp đỡ của chính phủ nên tập trung vào một nhóm đối tượng và chỉ mang tính tạm thời.

Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao trong Eurozone, trên thực tế, các biện pháp đều mang tính rộng rãi và những biện pháp như vậy sẽ không duy trì được lâu dài.

Một trong những phương án đang được thảo luận là để các chính phủ cung cấp hạn mức năng lượng cố định cho người tiêu dùng với mức giá trợ cấp.

Nếu tiêu thụ vượt qua giới hạn, họ sẽ phải thanh toán theo mức giá cao của thị trường. Giới chức EU thừa nhận đây không phải giải pháp tối ưu, nhưng bền vững về mặt chính trị và kinh tế.

[Đức xem xét trợ giá khí đốt cho hộ gia đình và doanh nghiệp]

Nếu đạt được đồng thuận, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ lên kế hoạch chi tiết và thiết lập các nguyên tắc mà Chính phủ EU có thể áp dụng trong chính sách quốc gia.

Những nguyên tắc chung như vậy sẽ cho phép EU duy trì sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nền kinh tế và cũng giúp các bộ trưởng lập kế hoạch chi tiêu ngân sách vào năm 2023.

Tháng trước, tất cả các nước trong Eurozone đã đệ trình dự thảo ngân sách cho năm tới lên EC để kiểm tra nhằm đảm bảo các nước này tuân thủ các quy định của EU và lập trường chính sách tài khóa chung là chuyển từ "hỗ trợ" trong năm nay sang "trung lập" vào năm 2023.

Tuy nhiên, những dự thảo này chỉ bao gồm các khoản chi tiêu đã được thông qua, mà không tính đến các nhu cầu có thể phát sinh vào năm 2023 khi một số chương trình hỗ trợ năng lượng hiện tại có thể cần được gia hạn.

Các quan chức Eurozone cho rằng suy thoái kinh tế, dự kiến diễn ra vào đầu năm tới, nhiều khả năng sẽ gia tăng áp lực tài chính đối với ngân sách, dù nó có thể hạ nhiệt lạm phát do nhu cầu giảm đi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục