Đại dịch COVID-19 có tác động đáng kể đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở châu Phi năm 2020, khi dòng vốn vào lục địa này giảm 16% xuống 40 tỷ USD, so với 47 tỷ USD năm 2019.
Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) công bố ngày 21/6 cho biết các thách thức kinh tế và sức khỏe do đại dịch gây ra kết hợp với giá năng lượng thấp đã tác động tiêu cực đối với FDI vào châu Phi.
Báo cáo của UNCTAD cho thấy các nước phụ thuộc vào hàng hóa bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với các nền kinh tế không dựa vào tài nguyên.
Giám đốc đầu tư và doanh nghiệp của UNCTAD James Zhan cho biết môi trường đầy thách thức ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của đầu tư nước ngoài.
Các thông báo về dự án đầu tư mới/đầu tư xanh - thước đo tâm lý nhà đầu tư và xu hướng FDI trong tương lai - giảm 62% xuống còn 29 tỷ USD, từ 77 tỷ USD vào năm 2019.
Hoạt động mua bán và sáp nhập xuyên biên giới (M&A) giảm 45% xuống còn 3,2 tỷ USD, từ 5,8 tỷ USD vào năm 2019. Các thỏa thuận tài chính dự án quốc tế, đặc biệt liên quan đến các dự án cơ sở hạ tầng lớn, giảm mạnh 74% xuống 32 tỷ USD.
Tác động của COVID-19 đối với dòng vốn FDI vào các khu vực của châu Phi cũng khác nhau.
[Hướng đi mới để châu Phi tự phục hồi kinh tế sau đại dịch]
Dòng vốn FDI vào Bắc Phi giảm 25% xuống 10 tỷ USD, từ 14 tỷ USD của năm 2019, với sự sụt giảm lớn ở hầu hết các quốc gia. Ai Cập vẫn là nước nhận viện trợ lớn nhất ở châu Phi, mặc dù với mức giảm đáng kể là 35% xuống còn 5,9 tỷ USD vào năm 2020.
Dòng vốn FDI vào khu vực phía Nam sa mạc Sahara châu Phi giảm 12% xuống còn 30 tỷ USD, trong đó đầu tư chỉ tăng ở một số quốc gia.
FDI vào Nam Phi giảm 16% xuống còn 4,3 tỷ USD, ngay cả khi sự thoái vốn của các công ty đa quốc gia ở Angola chậm lại. Mozambique và Nam Phi chiếm phần lớn dòng vốn FDI vào khu vực phía Nam châu Phi.
Bất chấp dòng vốn vào Nigeria tăng nhẹ từ 2,3 tỷ USD năm 2019 lên 2,4 tỷ USD, FDI vào Tây Phi giảm 18% xuống 9,8 tỷ USD năm 2020.
Senegal nằm trong số ít các nền kinh tế trên lục địa nhận được dòng vốn đầu tư cao hơn vào năm 2020, với mức tăng 39% đạt 1,5 tỷ USD, do sự gia tăng đầu tư vào năng lượng.
Trung Phi là khu vực duy nhất ở châu Phi ghi nhận mức tăng FDI trong năm 2020, với dòng vốn vào đạt 9,2 tỷ USD, so với 8,9 tỷ USD năm 2019. Dòng vốn vào Cộng hòa Congo liên tục tăng (19% lên 4,0 tỷ USD) đã giúp ngăn chặn sự suy giảm.
FDI vào Đông Phi còn 6,5 tỷ USD, giảm 16% so với năm 2019. Mặc dù số vốn FDI đăng ký giảm 6% còn 2,4 tỷ USD, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ethiopia vẫn chiếm hơn 1/3 đầu tư nước ngoài vào Đông Phi.
Đầu tư vào các mục tiêu phát triển bền vững cũng giảm, trừ năng lượng tái tạo. Năm 2020, FDI vào châu Phi hướng tới các lĩnh vực liên quan đến các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) đã giảm đáng kể trong hầu hết các lĩnh vực.
Năng lượng tái tạo là ngoại lệ, với các hợp đồng tài trợ dự án quốc tế tăng 28% lên 11 tỷ USD, từ 9,1 tỷ USD vào năm 2019.
Dòng vốn FDI từ châu Phi giảm 2/3 trong năm 2020, xuống còn 1,6 tỷ USD, so với mức 4,9 tỷ USD của năm trước đó.
Togo đứng đầu danh sách đầu tư FDI ra bên ngoài, đạt 931 triệu USD, phần lớn hướng đến các quốc gia châu Phi khác. Ghana và Morocco ghi nhận dòng vốn FDI ra bên ngoài đáng kể với mức lần lượt là 542 triệu USD (giảm 8% so với năm 2019) và 492 triệu USD (giảm 45%).
Mặc dù UNCTAD dự báo FDI vào châu Phi sẽ tăng trong năm 2021, nhưng sự phục hồi kinh tế yếu và chương trình triển khai vaccine chậm đang đe dọa quy mô của sự phục hồi đầu tư.
FDI vào châu Phi được dự báo sẽ chỉ tăng 5% vào năm 2021, thấp hơn tốc độ tăng trưởng dự kiến của cả quốc gia đang phát triển và toàn cầu.
Giám đốc đầu tư và doanh nghiệp của UNCTAD James Zhan cho biết mặc dù dự báo sự phục chậm của FDI vào châu Phi năm 2021, nhưng có một số yếu tố cho thấy FDI sẽ lấy lại động lực vào năm 2022 và quay trở lại mức trước đại dịch.
Thứ nhất, nhu cầu về hàng hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, dự kiến sẽ tăng khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm 2021, sẽ dẫn đến đầu tư tìm kiếm tài nguyên cao hơn.
Thứ hai, việc tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) và tầm quan trọng ngày càng tăng của chuỗi giá trị khu vực (RVC) sẽ mở ra cơ hội mới cho các nước châu Phi.
Thứ ba, việc triển khai một số dự án trọng điểm được công bố từ năm 2021 trở về trước, bao gồm cả những dự án bị đình trệ do đại dịch, có thể hỗ trợ FDI.
Cuối cùng, việc hoàn thiện Nghị định thư đầu tư bền vững trong khuôn khổ Hiệp định Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) có thể tạo động lực cho đầu tư nội lục địa./.