FED: Triển vọng kinh tế Mỹ chưa chắc đòi hỏi một cứu trợ mới

Chủ tịch Fed cho biết hiện vẫn có khoảng 11 triệu người đang thất nghiệp vì dịch COVID-19, trong khi nhiều người khác đang làm việc trong các ngành gặp nhiều khó khăn, và "họ có thể cần thêm hỗ trợ."
FED: Triển vọng kinh tế Mỹ chưa chắc đòi hỏi một cứu trợ mới ảnh 1Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Nguồn: Getty Images)

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cam kết thúc đẩy nền kinh tế Mỹ bằng việc duy trì lãi suất thấp nhằm lấy lại hàng chục triệu việc làm đã mất trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, song nhấn mạnh sự hỗ trợ từ chính phủ sẽ đóng vai trò chìa khóa.

Phát biểu với báo giới ngày 16/9 sau khi Fed quyết định không thay đổi lãi suất, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định gói kích thích kinh tế của chính phủ trong giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát đã góp phần "rất quan trọng," mang lại hiệu quả cao hơn kỳ vọng.

Tuy nhiên, ông tuyên bố nền kinh tế Mỹ cần thêm "một liều" cứu trợ tương tự.

Chủ tịch Fed cho biết: "Hoạt động kinh tế nhìn chung vẫn thấp hơn mức trước khi dịch bùng phát và con đường phía trước vẫn tiềm ẩn nhiều bất trắc. Cần một thời gian nữa để tăng trưởng và việc làm trở lại mức của đầu năm." Ông nhấn mạnh: "Tôi thấy cần phải có thêm hỗ trợ tài chính."

Chủ tịch Fed cho biết hiện vẫn có khoảng 11 triệu người đang thất nghiệp vì dịch COVID-19, trong khi nhiều người khác đang làm việc trong các ngành gặp nhiều khó khăn, và "họ có thể cần thêm hỗ trợ."

Các doanh nghiệp nhỏ cũng đang chật vật chống đỡ dịch bệnh. Các chính quyền địa phương phải đối mặt với tình trạng thu ngân sách giảm trong khi chi tiêu tăng mạnh.

[Những số liệu mới báo hiệu đà phục hồi của kinh tế Mỹ đang chững lại]

Dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong trung hạn của Ủy ban Thị trưởng mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - cho thấy khả năng kinh tế Mỹ phục hồi nhanh hơn dự kiến, chỉ suy giảm ở mức 3,7% thay vì mức 6,5% dự báo từ tháng 6. Tuy nhiên, tăng trưởng năm 2021 và 2022 thấp hơn mức dự báo trước.

Tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 8,4%, giảm mạnh so với mức 14,7% ghi nhận trong tháng 4 - thời điểm dịch lên tới đỉnh điểm tại Mỹ. FOMC dự báo đến cuối năm nay, tỷ lệ thất nghiệp sẽ đứng ở mức 7,6% và giảm xuống còn 5,5% vào năm sau.  

Trong khi đó, các số liệu điều chỉnh theo mùa do Cục Thống kê dân số Mỹ công bố ngày 16/9 cho thấy doanh số bán lẻ ở Mỹ đã chậm lại trong tháng thứ 3 liên tiếp, chỉ tăng 0,6% trong tháng Tám.

FED: Triển vọng kinh tế Mỹ chưa chắc đòi hỏi một cứu trợ mới ảnh 2Người dân xếp hàng chờ mua sắm tại một cửa hàng bách hóa ở New York, Mỹ. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, các nhà bán lẻ và cơ sở dịch vụ thực phẩm của Mỹ đã đạt doanh thu 537 tỷ USD trong tháng Tám, cao hơn khoảng 3 tỷ USD so với một tháng trước đó.

Doanh số bán lẻ và nhà hàng tăng 0,6%, thấp hơn các mức tăng 0,9%, 8,6% và 18,3% lần lượt trong các tháng Bảy, tháng Sáu và tháng Năm, đánh dấu tốc độ phục hồi kinh tế chậm lại đáng kể do những tác động của đại dịch.

Chuyên gia kinh tế Cailin Birch của The Economist Intelligence Unit nhận định đà phục hồi đã bị chậm lại và nền kinh tế Mỹ còn phải đối mặt với vài tháng khó khăn sắp tới.

Cùng ngày, báo cáo mới được công bố của công ty thống kê và đánh giá thị trường Yelp đã đưa ra một thống kê gây quan ngại, theo đó khoảng 60% số doanh nghiệp phải đóng cửa trên toàn nước Mỹ kể từ tháng 3 là đóng cửa vĩnh viễn, cho thấy tác động kinh tế lan rộng của đại dịch COVID-19.

Theo báo cáo về tác động kinh tế địa phương tháng Chín của Yelp, tổng cộng 163.735 doanh nghiệp đã phải đóng cửa trong khoảng giai đoạn từ ngày 1/3 (ngay trước thời điểm nước Mỹ đóng cửa) cho đến ngày 31/8, trong đó 97.966 doanh nghiệp phá sản.

Theo thống kê của Yelp, ngành kinh doanh nhà hàng bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, với 32.109 nhà hàng phải đóng cửa và 19.590 trong số đó, tương đương với 61%, phá sản.

Ngành kinh doanh quán bar và nền kinh tế đêm đã chứng kiến 6.451 lần đóng cửa, với 54% trong số đó là vĩnh viễn. Các ngành khác bị ảnh hưởng đại dịch bao gồm bán lẻ và mua sắm, khi đã có 30.374 doanh nghiệp đóng cửa với 58% trong số đó là phá sản, và lĩnh vực làm đẹp, với 16.585 doanh nghiệp đóng cửa, 42% trong số đó là vĩnh viễn.

Nhận định của Chủ tịch Fed được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện những dấu hiệu lạc quan rằng Nhà Trắng và các lãnh đạo đảng Dân chủ trong Quốc hội sẽ có thể đạt đồng thuận về một gói kích thích mới.

Bằng chứng là Chủ tịch Hạ viện Nacy Pelosi cho biết các nghị sỹ có thể ở lại Washington cho đến khi nhất trí được một gói hỗ trợ liên bang.

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cũng kêu gọi đảng Cộng hòa của ông ủng hộ một gói chi tiêu lớn hơn nhằm kích thích kinh tế chống dịch.

Các thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa đều nhất trí rằng một dự luật kích thích mới là cần thiết để thúc đẩy tốc độ phục hồi và hỗ trợ hàng triệu người Mỹ đang gặp khó khăn.

Tuy nhiên, cả hai đảng chia rẽ sâu sắc về quy mô và phạm vi của một gói kích thích mới, khiến các cuộc thảo luận tại quốc hội rơi vào bế tắc nhiều tuần nay.

Đảng Dân chủ đã đề xuất một gói kích thích kinh tế trị giá khoảng 2.000 tỷ USD, bao gồm các khoản hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, gia hạn các khoản trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ cho thuê và thế chấp cũng như tài trợ cho các chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, các thành viên đảng Cộng hòa phản đối một dự luật kích thích có trị giá lớn hơn 1.000 tỷ USD vì lo ngại nợ công gia tăng.

Theo giới chuyên gia phân tích, một đề xuất khả thi do một nhóm nghị sỹ ôn hòa đưa ra là gói cứu trợ trị giá 1.500 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.