Khu Di sản, Quần thể Danh thắng Tràng An nằm ở rìa phía nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng thuộc tỉnh Ninh Bình, có diện tích 6.226ha và vùng đệm rộng 6.026ha, trên địa bàn của các huyện: Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan và các thành phố Tam Điệp, Ninh Bình.
Khu Di sản gồm ba khu vực được bảo vệ là: Khu Di tích Lịch sử Văn hóa Cố đô Hoa Lư, khu Danh thắng Tràng An-Tam Cốc-Bích Động và khu Rừng đặc dụng Hoa Lư; chứa đựng tất cả giá trị cảnh quan đặc sắc và các giá trị văn hóa liên quan. Theo thống kê hiện có khoảng hơn 20.000 dân sinh sống trong vùng lõi khu di sản.
Ninh Bình: Lồng ghép bảo tồn Nhà Cổ với quản lý Di tích Tràng An
Ngày 25/6/2014, Quần thể Danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Đây là Di sản Thế giới Hỗn hợp đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á với các bằng chứng về quá trình tương tác của người cổ xưa với cảnh quan thiên nhiên và nỗ lực thích ứng của họ với những biến cố môi trường trong hơn 30.000 năm.
Khu Di sản Quần thể Danh thắng Tràng An cũng đóng vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng không chỉ cho người dân địa phương mà cả người dân từ các khu vực khác. Khách hành hương chiếm phần lớn lượng khách đến thăm quan di sản, đặc biệt trong các dịp lễ hội, số lượng khách có thể lên tới 35.000 lượt khách/ngày.
Với giá trị đặc sắc, độc đáo về cảnh quan, văn hóa lịch sử ở tầm nhân loại, Tràng An có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Bình, tạo thế và lực đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn của Việt Nam, hàng năm thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan.
Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, công tác bảo tồn giá trị Di sản Thế giới Tràng An gắn với phát triển bền vững đã có sự cân bằng tương đối tốt, hài hòa giữa bảo vệ môi trường, quản lý nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Chủ trương và chính sách phát triển bền vững gắn với đảm bảo sinh kế cho người dân đã làm thay đổi bộ mặt nhiều địa phương trong khu di sản, làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, nhiều nghề thủ công truyền thống được khôi phục, nhiều ngành nghề mới, sinh kế mới được tạo ra, đặc biệt đã có sự gắn kết giữa các hoạt động du lịch với nông nghiệp và trải nghiệm cuộc sống của người dân.
Nhằm tiếp tục phát huy giá trị Di sản Danh thắng Tràng An, Festival Ninh Bình-Tràng An lần thứ 2 với chủ đề "Sắc màu di sản - Hội tụ và lan tỏa" sẽ diễn ra từ ngày 26-31/12/2023 tại thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư (Ninh Bình).
Tại cuộc họp báo diễn ra sáng 8/12/2023, tại Hà Nội, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Ninh Bình Nguyễn Mạnh Cường, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Festival cho biết Festival Ninh Bình-Tràng An 2023 là sự kiện văn hóa-du lịch mang tầm quốc gia, cũng là thương hiệu lễ hội riêng của tỉnh nhằm đẩy mạnh giao lưu văn hóa, tôn vinh giá trị các di sản gắn với phát triển du lịch.
Festival Ninh Bình-Tràng An lần này dự kiến gồm 4 hoạt động trọng tâm đặc sắc thể hiện sự kết nối, hội tụ, lan tỏa sắc màu di sản văn hóa của địa phương và cả nước.
Lễ khai mạc Festival sẽ diễn ra tối 26/12/2023 và chương trình di sản văn hóa Nam Bộ ngày 28/12/203 tại khu Quần thể Danh thắng Tràng An, huyện Hoa Lư; chương trình di sản văn hóa Bắc Trung Bộ và giao lưu văn hóa Lào-Việt Nam sẽ diễn ra tối 29/12/2023 tại Khu du lịch sinh thái Thung Nham, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Lễ bế mạc có chủ đề "Rực lửa Cố đô", chào đón năm mới sẽ diễn ra tối 31/12/2023.
Lễ khai mạc sẽ tạo điểm nhấn khác biệt của Festival lần này. Chương trình được dàn dựng công phu như một vở diễn thực cảnh đầu tiên trong không gian huyền ảo của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An.
Các yếu tố của sông, núi, âm nhạc, ánh sáng, công nghệ trình chiếu mapping cùng nghệ thuật truyền thống, đương đại, khinh công chạy trên nước, vẽ thư pháp bằng nghệ thuật múa… sẽ hòa quyện, tạo thành một bức tranh thủy mặc, kể câu chuyện về lịch sử, văn hóa của Cố đô Hoa Lư-Ninh Bình cũng như tinh hoa văn hóa các vùng miền đất nước.
Đoàn nghệ thuật tỉnh Udomxay (Lào); nghệ sỹ, nghệ nhân các vùng văn hóa đặc trưng của đất nước sẽ trình diễn trong Festival Ninh Bình-Tràng An.
Thông qua Festival, Ninh Bình hy vọng giới thiệu tới nhân dân, du khách hình ảnh điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện, vùng đất và con người cố đô ngàn năm văn hiến, hội nhập và phát triển.
Để chuẩn bị tốt cho sự kiện, Ninh Bình đã tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực liên quan, đẩy mạnh chỉnh trang đô thị, đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cấp cơ sở vật chất; đảm bảo tốt hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, hầu hết các hoạt động trong Festival đều từ nguồn kinh phí xã hội hóa; làm theo hướng mở, tăng tính tương tác với cộng đồng.
Năm 2022, Festival Tràng An kết nối di sản lần đầu tiên diễn đã nhận được sự quan tâm, tham gia, cổ vũ của nhiều đoàn trong và ngoài nước, đông đảo nhân dân, du khách; tạo dấu ấn với nhiều hoạt động đặc sắc, phát huy giá trị di sản, văn hóa vùng đất Cố đô./.