Ga Hà Nội khánh thành 2 cầu vượt cho khách bộ hành

Ga Hà Nội vừa khánh thành hai cây cầu vượt bộ hành giúp hành khách có thể lên, xuống đường dẫn lên tàu thuận tiện và an toàn.
Cầu vượt bộ hành trong ga sẽ giúp hành khách đi lại thuận tiện, an toàn. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Sau gần 2 tháng thi công, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) đã chính thức khánh thành hai cầu vượt bộ hành được đặt trong ga Hà Nội vào sáng nay (21/12).

Cầu vượt bộ hành trong ga Hà Nội có tổng mức đầu tư 25,8 tỷ đồng, được thiết kế với hai cầu vượt phía Bắc và phía Nam giúp hành khách có thể lên, xuống đường ke ga (đường dẫn lên tàu) thuận tiện và an toàn.

Theo ông Trần Phúc Tiến, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, hai cầu vượt này đặt tại cửa hai phòng đợi phía Nam và phía Bắc của ga. Cầu vượt bộ hành phía Bắc có tim cầu trùng với tim cửa ra vào ga số 7, cầu phía Nam có tim cầu trùng với tim cửa ra vào ga số 4. Đây là hai vị trí thuận lợi để hành khách lên xuống cầu và phù hợp với điều kiện tác nghiệp của khu ga.

“Việc xây dựng và đưa vào sử dụng cầu vượt bộ hành là một giải pháp tổ chức giao thông đối với ga Hà Nội giúp cho hoạt động tác nghiệp tại các khu ga, đưa tiễn hành khách lên xuống tàu thuận lợi và an toàn,” ông Tiến cho biết.

Cầu có khổ rộng lưu thông là 2,4m, mỗi cầu dài 37,2m, từ ke cơ bản đến ke trung gian số 3. Chiều cao tĩnh không đường sắt dưới cầu đảm bảo yêu cầu quy định về khổ tiếp giáp kiến trúc cho đường thẳng trong ga.

Cầu được thiết kế mái che bằng tấm nhựa tổng hợp, kính chịu lực, sàn lát gạch chống ồn và chống trơn. Cầu thang được thiết kế dạng bậc, độ dốc hợp lý, hai bên có đường kéo va ly thuận tiện. Trên cầu lắp đặt đầy đủ điện chiếu sáng, biển báo, biển chỉ dẫn cho hành khách.

Đặc biệt, ga cũng lắp hệ thống bảng điện tử hướng dẫn chi tiết thông tin về đoàn tàu, toa xe, giờ khởi hành… cũng được bố trí hợp lý tại cầu thang để hành khách dễ nhận biết đoàn tàu cần tìm.

Ngoài ra, ga Hà Nội cũng bố trí phát thanh hướng dẫn hành khách ra cầu vượt để đến được đoàn tàu một cách thuận lợi, an toàn nhất.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đánh giá, cầu vượt bộ hành trong ga Hà Nội là công trình nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, các đơn vị đã nỗ lực khắc phục khó khăn trong điều kiện vừa thi công vừa tổ chức đón tiễn khách để hoàn thành đúng tiến độ công trình. Đây là điều rất quan trọng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

“Thông qua công trình này, ngành đường sắt sẽ có điều kiện nâng cao hạ tầng hiện có, tạo tư duy mới trong đầu tư xây dựng đường sắt Việt Nam, đảm bảo chất lượng phục vụ, đúng giờ và an toàn cho hành khách,” Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh./.

Ga Hà Nội là ga lớn nhất của Đường sắt Việt Nam, là ga trung chuyển kết nối các tuyến đường sắt phía Tây, Đông, Bắc với tuyến đường sắt Thống Nhất. Hàng năm, ga Hà Nội đưa đón khoảng 3,5 triệu lượt hành khách.

Tuy nhiên, việc đi lại và đưa tiễn khách lên tàu tại một số đường ga chưa được thuận tiện, hành khách phải đi vòng về 2 đầu ga để lên xuống tàu gây khó khăn và mất an toàn trong mỗi khu ga khi có tàu đi/đến.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục