Gần 12.000 tỷ đồng phát triển hạ tầng và nâng cấp công trình thủy lợi

Việc đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi của Thừa Thiên-Huế hướng đến đảm bảo cấp nước theo yêu cầu phát triển nông nghiệp, kể cả với loại hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị.
Gần 12.000 tỷ đồng phát triển hạ tầng và nâng cấp công trình thủy lợi ảnh 1Đập ngăn mặn giữ ngọt Thảo Long (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế). (Nguồn: baotainguyenmoitruong.vn)

Tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa quyết định đầu tư 11.939 tỷ đồng để phát triển hạ tầng, sửa chữa nâng cấp các công trình thủy lợi từ nay đến năm 2025.

Hệ thống thủy lợi trong tỉnh đến năm 2025 đảm bảo cấp nước cho khoảng 85% diện tích sản xuất nông nghiệp; tưới chủ động cho 31.460,3 ha diện tích canh tác và nuôi trồng thủy sản; đảm bảo tiêu thoát nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và chống lũ chính vụ cho thành phố Huế.

Cách làm này nhằm đảm bảo chống lũ hiệu quả cho hạ du sông Hương-sông Ô Lâu giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đồng thời, góp phần tạo nguồn nước cấp cho dân sinh và cải tạo môi trường.

Việc đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi nói trên của Thừa Thiên-Huế hướng đến việc đảm bảo cấp nước theo yêu cầu phát triển nông nghiệp, kể cả với loại hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị sinh thái; phát triển hệ thống tưới hiện đại, tiết kiệm nước, tiết kiệm điện năng; tăng diện tích tiêu bằng động lực lên 13.908,8 ha.

[Ninh Bình huy động hơn 2.280 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới]

Về chống lũ, hệ thống này đảm bảo chống lũ hiệu quả cho hạ du sông Hương-sông Ô Lâu có xét đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; kết hợp với các giải pháp đẩy mặn, ngăn mặn tạo nguồn nước ngọt để đảm bảo sản xuất và cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản cho vùng đồng bằng ven biển.

Đối với vùng gò đồi, tỉnh nâng cao năng lực tưới bằng các hồ chứa, các trạm bơm; vùng trũng đồng bằng Nam sông Hương lấy nguồn từ hồ Tả Trạch cấp trực tiếp xuống sông Nông qua kênh dẫn về sông Lợi Nông, sông Như Ý, sông Đại Giang để cấp nước cho các trạm bơm; nâng cấp, mở rộng kênh hồ Truồi nhằm tạo nguồn cấp tưới ổn định cho hơn 2.426 ha.

Về các phương án nội đồng, tỉnh tiến hành nâng cấp các công trình hồ chứa, đập dâng và trạm bơm, nạo vét hói nội đồng, kênh cách ly để tưới, tiêu cho 5.720,3ha; kết hợp với cải thiện hệ thống quan trắc phục vụ công tác quản lý vận hành các hồ đập; lắp đặt hệ thống cảnh báo khu vực hạ du các công trình.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có 56 hồ chứa thủy lợi và 6 hồ thủy điện đã đi vào vận hành khai thác với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3, phục vụ có hiệu quản có phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, có 20 hồ có hiện tượng trượt mái hạ lưu, đập chính có thấm nhẹ cục bộ, mái đập thượng lưu xuống cấp do chưa được gia cố, cống lấy nước bị rò rỉ.

Bên cạnh đó, do thời tiết nắng nóng mùa khô năm nay kéo dài nên một số hồ như Truồi, Hòa Mỹ, Khe Ngang, Thọ Sơn, Phú Bài… dung tích hữu ích còn lại từ 20-30%.

Các hồ chứa thủy điện Bình Điền, Hương Điền, A Lưới đều thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 10,2-26m, vừa gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và vận hành của các nhà máy, vừa không có nước xả về hạ du để tưới cho cây trồng. Nhiều công trình thủy lợi có thời gian khai thác, sử dụng lâu nên xuống cấp nghiệp trọng.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tiến hành thủ tục đầu tư sửa chữa nâng cấp một số hồ xuống cấp. Đáng chú ý, để đảm bảo an toàn hồ chứa, tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa đầu tư hơn 30 tỷ đồng nâng cấp hồ thủy lợi Thọ Sơn (thị xã Hương Trà) - công trình được xây dựng đưa vào sử dụng đến nay gần 40 năm.

Dự án hiện đang tiến hành nâng cấp tuyến đập chính, gia cố tràn xả lũ, xây mới cầu qua tràn; xây dựng tuyến đường cứu hộ, cứu nạn và sửa chữa, nâng cấp các tuyến kênh cũ đã bị xuống cấp…; đặt mục tiêu hoàn thành các hạng mục trên tuyến đập chính trước mùa mưa bão năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.