Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội, trong quý 1, doanh số cho vay tại ngân hàng đạt 8.567 tỷ đồng, với gần 400.000 lượt khách hàng được vay vốn, tập trung chủ yếu vào các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, học sinh sinh viên.
Theo ngân hàng này, cho vay hộ nghèo đạt 1.930 tỷ đồng, hộ cận nghèo đạt 2.885 tỷ đồng, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là 1.457 tỷ đồng, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn là 997 tỷ đồng và cho vay học sinh sinh viên đạt 864 tỷ đồng.
Hiện, chất lượng tín dụng tiếp tục được Ngân hàng Chính sách Xã hội quan tâm với nhiều giải pháp được thực hiện nhằm củng cố.
Sau Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng khu vực Tây Nam Bộ và đặc biệt sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương đã có những chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức về quản lý tín dụng chính sách trên địa bàn, tạo được sự đồng thuận và quyết tâm cao trong củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách từ Trung ương đến cơ sở.
Đến 31/3, tổng nguồn vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt 136.167 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 131.488 tỷ đồng, tăng 2.032 tỷ đồng so với 31/12/2014 (tương đương 1,6%), hoàn thành 27% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội Nguyễn Văn Bình cho rằng để tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, Ngân hàng Chính sách Xã hội cần tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết Hội đồng quản trị, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan, tính toán kỹ khả năng huy động nguồn lực để tham mưu, tổ chức thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xem xét, nâng mức tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2015 lên 10%.
Cùng với việc theo dõi sát sao diễn biến thị trường, tích cực phát hành trái phiếu để đảm bảo nguồn vốn cho mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng và rà soát, tính toán cho phù hợp lãi suất một số chương trình tín dụng, Ngân hàng Chính sách Xã hội tích cực tham mưu cho chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm, dành một phần ngân sách bổ sung nguồn vốn để Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Đồng thời, ngân hàng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các thiếu sót, tồn tại, chỉ đạo khắc phục triệt để các tồn tại theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, thực hiện tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao./.