Gần 45.000 du khách tham quan di tích Huế trong dịp Tết dương lịch

Trong các ngày nghỉ Tết Dương lịch (từ 29/12/2018-1/1/2019, có gần 45.000 du khách tham quan di tích Huế, trung bình mỗi ngày có 11.000 lượt khách tham quan.
Gần 45.000 du khách tham quan di tích Huế trong dịp Tết dương lịch ảnh 1Khách du lịch tham quan di tích trong tour du lịch "Huế - một điểm đến 5 di sản." (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết, trong các ngày nghỉ Tết Dương lịch (từ 29/12/2018-1/1/2019, có gần 45.000 du khách tham quan di tích Huế, trung bình mỗi ngày có 11.000 lượt khách tham quan. Đây là tín hiệu đáng mừng trong năm mới 2019 đối với ngành du lịch Thừa Thiên-Huế và khu di sản Huế.

Dịp này, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã khai thác tốt tour du lịch "Huế - một điểm đến 5 di sản." Đáng chú ý, đêm 31/12, Trung tâm tổ chức bắn 21 phát súng lửa thần công chào đón năm mới 2019, thu hút đông đảo du khách và nhân dân trong vùng.

Năm 2019, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế xác định vừa đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, vừa tiếp tục tạo ra các sản phẩm mới, hấp dẫn. Đặc biệt, các sản phẩm vui chơi giải trí nhằm thu hút và kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu, góp phần ổn định lượng khách đến Huế, đồng thời sớm khẳng định thương hiệu du lịch Huế. Trước mắt, Trung tâm tập trung phát triển loại hình du lịch văn hóa di sản gắn với khu vực trung tâm thành phố Huế, hình thành được các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ thường xuyên cho du khách.

Bên cạnh việc nâng cao tính chuyên nghiệp; các sự kiện, lễ hội hàng tháng hoặc quý tại Huế được tổ chức quy mô hơn, năm nay Thừa Thiên-Huế còn chủ trương thực hiện Festival 4 mùa để trở thành những sản phẩm du lịch của Huế như lễ hội diều, lễ hội ẩm thực chay, lễ hội hoa đăng, lễ hội sen, lễ hội múa lân, lễ hội bia...

Ngoài việc khai thác tour du lịch "Huế - một điểm đến 5 di sản", tỉnh nghiên cứu mở cửa trở lại Đại Nội về đêm để du khách có thể khám phá không gian ánh sáng từ Ngọ Môn đến điện Thái Hòa; trải nghiệm "Âm sắc hoàng cung" trong không gian cổ xưa của Nhà hát Duyệt Thị Đường, tái hiện chương trình nghệ thuật "Văn hiến Kinh kỳ."

Cùng với đó, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với các đơn vị chức năng đẩy mạnh phát triển ẩm thực Huế thành một sản phẩm du lịch đặc thù, thương hiệu riêng của Huế; đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch, nâng cao năng lực của các đơn vị lữ hành Huế trong việc quảng bá, giới thiệu và khai thác, thu hút khách du lịch đến Huế.

Năm 2018, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đón hơn 3,5 triệu lượt khách đến tham quan khu di sản Huế, doanh thu từ vé tham quan đạt 381,7 tỷ đồng, vượt kế hoạch nhà nước giao 19,28%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.