Gần 500.000 lượt khách về thăm Khu di tích lịch sử đặc biệt Tân Trào

Tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước, Người đã chọn xã Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) làm “Thủ đô Khu giải phóng.”
Gần 500.000 lượt khách về thăm Khu di tích lịch sử đặc biệt Tân Trào ảnh 1Du khách tham quan đình Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang). (Ảnh: Quang Đán/TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa và sinh thái quốc gia Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) cho biết trong dịp kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, lượng khách về tham quan Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào tỉnh Tuyên Quang tăng cao so với các thời điểm khác trong năm.

Chỉ tính riêng trong tháng Tám, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đã đón 60.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan; cá biệt, trong các ngày 15-16/8, mỗi ngày Khu di tích đón gần 6.000 lượt khách, nâng tổng số khách tham quan Khu di tích từ đầu năm đến nay lên gần 500.000 lượt người.

Tân Trào là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước. Tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người đã chọn xã Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) làm “Thủ đô Khu giải phóng,” căn cứ địa cách mạng của cả nước.

[Lễ chào mừng Tết độc lập và chợ phiên vùng cao Mù Cang Chải]

Tại đây đã diễn ra những sự kiện lịch sử có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 như Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng, quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ra Quân lệnh số 1; Quốc dân đại hội họp tại đình Tân Trào, xã Tân Trào bầu ra Uỷ ban dân tộc giải phóng tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch, quy định Quốc kỳ, Quốc ca...

Vì những lẽ đó, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đã trở thành “di tích lịch sử cách mạng quan trọng bậc nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ 20.”

Để phát huy giá trị của Khu di tích, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030. Theo đó, Khu du lịch quốc gia Tân Trào có tổng diện tích vùng lõi tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia là 2.500ha, thuộc phạm vi hành chính năm xã của huyện Sơn Dương và một xã của huyện Yên Sơn.

Để phục vụ du khách đến thăm quan, Khu du lịch quốc gia Tân Trào sẽ tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật du lịch, đầu tư nhà hàng, khách sạn và phát triển các lều trại mang tính dân tộc, nhà dân (homestay)... tại thôn Tân Lập, xã Tân Trào; thôn Niếng, xã Minh Thanh; thôn Quan Hạ, xã Trung Yên (huyện Sơn Dương).

Về định hướng đầu tư, sẽ huy động hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư gồm vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Nhà nước, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp, thành phần kinh tế trong nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp trong nước khác. Trong đó, ưu tiên thu hút các nguồn đầu tư vào các phân khu chức năng theo quy hoạch để phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch...

Hiện nay, Ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa và sinh thái quốc gia Tân Trào đang tập trung tu bổ, chỉnh trang khuôn viên Khu di tích, tập huấn, đào tạo thêm kỹ năng cho các hướng dẫn viên.

Năm 2019, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào phấn đấu đón 710.000 lượt khách tham quan, chiếm gần 40% lượng khách tham quan du lịch đến Tuyên Quang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.