Gần 780 tỷ đồng xây dựng đường giao thông nông thôn ở Tuyên Quang

Tuyên Quang phấn đấu thực hiện bêtông hóa trên 1.080km đường thôn, đường nội đồng và xây dựng ít nhất 200 cầu trên đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí 788 tỷ đồng.
Gần 780 tỷ đồng xây dựng đường giao thông nông thôn ở Tuyên Quang ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Tuyên Quang)

Tỉnh Tuyên Quang vừa đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2021-2025, thực hiện bêtông hóa trên 1.080km đường thôn, đường nội đồng và xây dựng ít nhất 200 cầu trên đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí 788 tỷ đồng.

Điều này nhằm tập trung phát triển và hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi, phục vụ sản xuất, đảm bảo lưu thông hàng hóa. Từ đó, góp phần giảm nghèo thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và tạo tiền đề cho tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Đề án bêtông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021-2025 là khoảng 620km đường thôn, đạt 80% tỷ lệ bêtông hóa đường thôn trên địa bàn toàn tỉnh.

[Phấn đấu đến năm 2025 đưa Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện]

Đường nội đồng là 460km, đạt 60% tỷ lệ bêtông hóa đường nội đồng trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng ít nhất 200 cầu trên đường giao thông nông thôn...

Đối với đường giao thông nông thôn, tỉnh cũng đề ra nhiệm vụ sẽ thực hiện các công trình theo phương thức “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ.”

Nhà nước hỗ trợ ximăng, ống cống và chi phí vận chuyển, bốc xếp đến địa điểm thi công gần nhất ôtô có thể đi được; kinh phí thuê máy trộn bêtông và kinh phí cho công tác quản lý; trong đó, nhân dân tự nguyện hiến đất và giải phóng mặt bằng. Cùng đó, đóng góp ngày công lao động, máy móc phục vụ thi công, vật tư, vật liệu và tự tổ chức thi công công trình đảm bảo chất lượng.

Đối với cầu trên đường giao thông nông thôn, Nhà nước đầu tư 100% kinh phí đầu tư xây dựng và hân dân tự nguyện giải phóng mặt bằng phạm vi xây dựng cầu và đường dẫn và đường kết nối.

Việc đầu tư bêtông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn ở tỉnh Tuyên Quang có vai trò rất quan trọng.

Ngoài kết nối hệ thống giao thông, tạo điều kiện thuận lợi an toàn cho người dân đi lại, sinh hoạt nhất là trong mùa mưa lũ, còn giúp xóa bỏ chia cắt cộng đồng, kết nối liên vùng.

Điều này góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục