Gắn kết du lịch-thương mại: Kênh hiệu quả thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Bộ Công Thương đã xây dựng chiến lược phát triển thị trường thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 nhằm đưa ra các giải pháp tiêu thụ bền vững cho mặt hàng nông sản.
Gắn kết du lịch-thương mại: Kênh hiệu quả thúc đẩy tiêu thụ nông sản ảnh 1Tọa đàm: Kết nối thông tin, tìm đầu ra cho nông sản vùng dân tộc thiểu số và miền núi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Rất nhiều lễ hội xoài, nhãn, vải, cá sông Đà... được tổ chức thành công trong các hệ thống bán lẻ. Nhờ vậy người tiêu dùng đã biết được văn hoá như lịch sử, xuất xứ của các hàng hóa mà họ được tiếp cận.

Đó là cách kích cầu rất tốt đối với thị trường trong nước cũng như giới thiệu trên các kênh quốc tế để người tiêu dùng quốc tế có thể tiếp cận, thúc đẩy xuất khẩu qua kênh của các thương vụ tổ chức ở nước ngoài.

Đây là thông tin được đại diện Bộ Công Thương đưa ra tại tọa đàm: "Kết nối thông tin, tìm đầu ra cho nông sản vùng dân tộc thiểu số và miền núi," do Báo Công Thương tổ chức ngày 7/9, tại Hà Nội.

Tạo giá trị gia tăng lớn hơn cho nông sản

Thời gian qua, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu thành công sang nhiều thị trường lớn, trong đó xoài Sơn La xuất khẩu sang Anh, Australia; trái vải Lục Ngạn được đánh giá rất cao ở Nhật Bản, Pháp… cho thấy những chính sách xây dựng, phát triển thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ và đặc biệt là việc cung cấp thông tin thị trường cho người dân khu vực nông thôn, miền núi đang phát huy tác dụng.

Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang chia sẻ, để nông sản Bắc Giang nói chung và trái vải thiều Lục Ngạn nói riêng có chỗ đứng trên thị trường, Bắc Giang đã có sự có chuẩn bị từ nhiều năm đồng thời kiên định nâng cao chất lượng.

[Hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Hải Dương trên Gian hàng Việt trực tuyến]

Năm 2017, tỉnh phê duyệt danh mục 52 sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng để thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn (hình thành nhiều Hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất).

Từ đó ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng diện tích vùng trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nhân rộng mô hình sản xuất vải hữu cơ, xây dựng và quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng, tạo ra sản phẩm vải thiều có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đồng đều và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã hoàn thiện, chuẩn hóa bao bì, tem nhãn và truy xuất nguồn gốc (tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí bao bì, tem nhãn).

Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang cũng rà soát, kiểm tra, đánh giá, giám sát tất cả các mã số vùng trồng hiện có; cấp mã số vùng trồng mới và số hóa vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, cơ sở xông hơi khử trùng đã được cấp. Từ đó đẩy mạnh liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, gia tăng giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.

“Bắc Giang cũng hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ; kết nối doanh nghiệp phân phối với các nhà vườn, các hợp tác xã; Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đa dạng hóa các kênh phân phối sản phẩm, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu…,” ông Phạm Công Toản cho hay.

Tương tự với tỉnh Quảng Ninh, để tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản, bà Nguyễn Hoài Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết sau 10 năm thực hiện chương trình OCOP ("Mỗi xã một sản phẩm"), sản phẩm OCOP đã thực sự xây dựng được thương hiệu, đã giúp cho người nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số có nguồn sản phẩm và đầu ra ổn định.

Đến thời điểm bây giờ, để kết nối sản phẩm OCOP vào hệ thống các siêu thị như MM Mega Market Việt Nam… sản phẩm OCOP của Quảng Ninh đạt từ 3 sao trở lên đã có đầy đủ hồ sơ pháp lý, đầy đủ tiêu chuẩn.

Hơn nữa, Quảng Ninh cũng có điểm đặc biệt thuận lợi về sản phẩm OCOP du lịch, có nhiều sản phẩm làng quê, thuận lợi cho sự gắn bó giữa sản xuất nông nghiệp và du lịch.

"Tỉnh đã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phát triển chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời Quảng Ninh có đề án chuyển đổi số gắn kết mật thiết với sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP," bà Thương cho hay.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Với khí hậu và thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam có nhiều đặc sản vùng miền khác nhau, theo bốn mùa trong năm. Tuy nhiên, để đẩy mạnh khâu tiêu thụ thì sự phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân được đánh giá hết sức quan trọng, qua đó hạn chế tình trạng được mùa mất giá.

Ông Nguyễn Anh Phương, Trưởng Điều hành vùng Miền Bắc MM Mega Market Việt Nam cho rằng để tạp sự gắn kết chặt chẽ, doanh nghiệp làm việc với hợp tác xã, người nông dân theo xu hướng chủ động, dự báo trước, lên kế hoạch ngắn và trung hạn với các hộ nông dân về sản lượng nông sản mà công ty đảm bảo tiêu thụ, tránh tình trạng sản xuất cung vượt cầu và nông dân luôn rơi vào thế bị động, không bảo đảm chi phí.

Song song với đó, MM sẽ tiếp tục tìm kiếm người nông dân, hợp tác xã có xu hướng phát triển bền vững, đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu của chính họ đến đúng hệ thống của doanh nghiệp tại nước ngoài.

"Chúng tôi có hệ thống hơn 1.000 siêu thị tại nước ngoài như Thái Lan, Singapore. Vì vậy, các sản phẩm đó sẽ là đường dẫn đưa nông sản Việt Nam ra quốc tế," ông Phương cho hay.

Gắn kết du lịch-thương mại: Kênh hiệu quả thúc đẩy tiêu thụ nông sản ảnh 2Sơ chế vải thiều Hải Dương xuất đi Nhật tại nhà máy của Công ty cổ phần Ameii Việt Nam. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Trong khi đó, ông Nghiêm Tuấn Anh, đại diện sàn thương mại điện tử postmart.vn (thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam - Vietnam Post)  thông tin, doanh nghiệp đã đẩy mạnh phát triển, kết nối cung cầu trong hoạt động thương mại, hỗ trợ phát triển kinh tế đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.

Hiện, Bưu điện Việt Nam có 13.000 điểm phục vụ trên toàn quốc đến tận cấp xã và rất gần với người dân. Chính sự gần gũi này đã tạo gắn kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp. Qua đó hàng nghìn tấn nông sản của người nông dân đến tay người tiêu dùng.

“Như vậy, cơ hội để dành cho nông sản vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa là rất lớn bởi chúng tôi có chuỗi sinh thái kết nối người mua, người bán và vận chuyển từ chặng đầu đến chặng cuối,” ông Nghiêm Tuấn Anh nói.

Về phía cơ quan chức năng, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho rằng, Bộ Công Thương đã xây dựng một chiến lược phát triển thị trường thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2021. Trong đó đã giao cho các bộ ngành, địa phương, đặc biệt vai trò chủ chốt là Bộ Công Thương về việc tổ chức ra được thị trường tiêu thụ hỗ trợ sản xuất trong nước, trong đó nhấn mạnh đến mặt hàng nông sản.

Bám sát chiến lược này, việc tiêu thụ nông sản trong thời gian tới còn rất nhiều việc phải làm và có các chương trình đề án đi kèm để làm sao tổ chức được thị trường văn minh, hiện đại hơn, giảm tổn thất trong thu hoạch, sau thu hoạch của các cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản.

Đồng thời, phát triển tốt nhất hệ thống logistics để bảo quản được tốt nhất, tạo giá trị gia tăng cao nhất, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, khơi thông được các thị trường.

"Chúng tôi thấy rằng cần cải tiến hơn nữa công tác kết nối cung cầu bằng việc gắn kết đa ngành, ví dụ gắn kết du lịch với thương mại. Qua thời gian triển khai các hoạt động văn hoá, lễ hội, chúng tôi thấy rằng yếu tố văn hoá hết sức quan trọng, đóng một giá trị gia tăng rất lớn cho hàng nông sản, đặc biệt là nông sản ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo," bà Nga cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.