Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, nơi đây còn lưu giữ rất nhiều di sản văn hóa, di sản địa chất độc đáo riêng có.
Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp chỉ đạo cụ thể, tích cực và hiệu quả để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, giá trị di sản với một tầm nhìn mới vì sự phát triển bền vững, đặc biệt là việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Cao nguyên đá Đồng Văn gắn với phát triển du lịch.
Lưu giữ nguyên vẹn các giá trị văn hóa
Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang được UNESCO công nhận là di sản thế giới Công viên Địa chất toàn cầu tháng 10/2010. Là công viên duy nhất ở Việt Nam và thứ hai Đông Nam Á, khu vực Công viên Địa chất bao gồm bốn huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Nơi đây hiện có trên 250.000 dân sinh sống với 17 dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm gần 80%.
Đường sá đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, đây là nơi cực kỳ thiếu đất, thiếu nước không có điều kiện cho canh tác nông nghiệp. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch chưa được đầu tư tương xứng để khai thác các tiềm năng, thế mạnh trong vùng. Do đó hiện cả bốn huyện vùng cao nơi đây đều thuộc diện nghèo đặc biệt khó khăn trong chương trình 30a của Chính phủ.
Nằm trên độ cao gần 1.600m so với mực nước biển, Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi vẫn còn lưu giữ vẹn nguyên nhiều di sản về lịch sử tiến hóa của Trái Đất, với các di sản kiến tạo và địa mạo, các di sản cổ sinh, địa tầng và cổ môi trường, làng văn hóa dân tộc, các danh thắng nổi tiếng. Không chỉ độc đáo về giá trị địa chất, nơi đây còn có một hệ thống di sản văn hóa khá phong phú, bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Ngoài những di sản được thiên nhiên ban tặng, Cao nguyên đá Đồng Văn còn chứa đựng bên trong những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc.
Cơ hội cho Cao nguyên đá Đồng Văn phát triển
Để phát triển kinh tế gắn với xóa đói giảm nghèo cho người dân, đặc biệt để đảm bảo ổn định chính trị trên tuyến biên giới Việt-Trung, việc xây dựng quy hoạch và các dự án du lịch trọng điểm Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là nhu cầu đòi hỏi cấp thiết.
Chính vì vậy, ngày 7/3/2013 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn 2030. Đây là những cơ sở quan trọng cho Hà Giang bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Cao nguyên đá Đồng Văn gắn với phát triển du lịch.
Theo đề án, định hướng phát triển Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ thành không gian xanh, một bảo tàng thiên nhiên về địa chất, sinh học và lịch sử văn hóa dưới dạng các công viên chuyên đề như Công viên địa văn hóa, Công viên địa sinh học, Công viên khoa học địa chất… gắn với hệ thống khu, điểm du lịch nhằm phát huy hiệu quả, bền vững các giá trị về thiên nhiên và văn hóa trong vùng.
Theo ông Sèn Chỉn Ly, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, quy hoạch tổng thể Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn 2030 và xúc tiến đầu tư có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Hà Giang về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đặc biệt là phát triển du lịch, thu hút đầu tư.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hà Giang đang khẩn trương triển khai công tác quy hoạch Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn; trong đó quy hoạch đặt mục tiêu bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn các giá trị di sản trong Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn như bảo tàng thiên nhiên về địa chất, sinh học và lịch sử văn hóa dân tộc bản địa dưới dạng các công viên chuyên đề bao gồm Công viên địa văn hóa, Công viên địa sinh học, Công viên khoa học địa chất. Thông qua quy hoạch đầu tư, biến Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch quốc gia.
Tuy nhiên Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn có địa bàn trải rộng bốn huyện, đa sắc tộc văn hóa, đường biên dài, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, các điểm di sản lại không tập trung nên cũng rất khó khăn trong vấn đề quy hoạch.
Để thực hiện tốt công tác quy hoạch, tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Viện Quy hoạch - Bộ Xây dựng, triển khai công tác quy hoạch; chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương thực hiện tốt công tác bảo tồn di sản địa chất, văn hóa và đa dạng sinh học; đồng thời chỉ đạo bốn huyện vùng cao núi đá phía Bắc nằm trong Công viên Địa chất tạo ra mô hình sinh kế mới phù hợp với điều kiện tự nhiên và gắn với nhu cầu trực tiếp, trình độ nguồn nhân lực địa phương để nâng cao nhận thức và đời sống cho đồng bào dân tộc.
Hiện nay, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành khôi phục, bảo tồn và phát huy có trọng điểm các lễ hội truyền thống của các dân tộc; các làn điệu dân ca, dân vũ để phục vụ du lịch; phát triển các loại hình du lịch mới có gắn yếu tố văn hóa địa phương với các hoạt động khám phá như du lịch địa chất, du lịch mạo hiểm, du lịch trải nghiệm miền Cao nguyên đá...
Ông Sèn Chỉn Ly cũng cho biết Hà Giang là tỉnh nghèo đặc biệt khó khăn, sự quyết tâm và nội lực chưa đủ, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và các địa phương cùng Hà Giang triển khai tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa miền Cao nguyên đá và đáp ứng tốt các tiêu chí do mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu đã đề ra./.