Marquez và ảnh hưởng lan tỏa khắp hành tinh

Garcia Marquez và ảnh hưởng lan tỏa trên khắp hành tinh

Tác phẩm "Trăm năm cô đơn" của Marquez có ảnh hưởng bao trùm trên toàn thế giới, dạy phương Tây cách đọc một hiện thực khác ngoài thực tế họ đang sống.
Garcia Marquez và ảnh hưởng lan tỏa trên khắp hành tinh ảnh 1Garcia Gabriel Marquez trong một sự kiện vinh danh ở quê nhà năm 2007 (Nguồn: AFP)

Gabriel Garcia Marquez có ảnh hưởng khổng lồ trên một lượng lớn các nhà văn của thế giới, đặc biệt là qua cuốn tiểu thuyết "Trăm năm cô đơn" (One Hundred Years of Solitude) trứ danh của ông.

Vượt xa khuôn khổ Nam Mỹ và thế giới nói tiếng Tây Ban Nha, ảnh hưởng của Garcia Marquez đã được cảm nhận và thể hiện trong tác phẩm của hàng loạt tác giả trên khắp hành tinh, như nhận xét của dịch giả Pháp Claude Durand, người đã dịch cuốn tiểu thuyết ra tiếng Pháp.

Với sự pha trộn giữa yếu tố thần bí, hư ảo, và tấn kịch gia đình, các nhà phê bình nói rằng văn của Garcia Marquez đã gây ảnh hưởng trong tác phẩm "Những đứa trẻ nửa đêm" (Midnight's Children) của Salman Rushdie.

Rushdie từng nói với một nhà báo rằng "có một nhóm các nhà văn" gồm ông và Garcia Marquez , được xếp vào một gia đình mang tên Chủ nghĩa Hiện thực huyền ảo.

"Khía cạnh của Garcia Marquez khiến tôi ngưỡng mộ và thấy thật đặc biệt là hoạt động viết lách của ông ấy dựa trên quan điểm xem thế giới như một ngôi làng" - ông nói, liên hệ tới ngôi làng tưởng tưởng Macondo trong "Trăm năm cô đơn".

Ở Trung Quốc, nhà văn Mạc Ngôn từng đoạt giải Nobel Văn chương 2012, cũng rất mê "Trăm năm cô đơn", tới mức ông đọc đi đọc lại bản dịch sang tiếng Trung. Theo lời Chantal Chen Andro, một trong những dịch giả đã chuyển ngữ tác phẩm của Mạc Ngôn, "chủ nghĩa hiện thực huyền ảo" là một đặc điểm trong văn chương của Mạc Ngôn.

"Độc giả sẽ thấy yếu tố này đặc biệt khi họ nhớ lại tuổi thơ và quê hương của mình... khiến họ có toàn quyền điều khiển trí tưởng tượng của mình" - bà nói.

Nhà văn Canada sinh ra tại Haiti là Dany Laferriere nói rằng "Trăm năm cô đơn" đã để lại dấu ấn sâu đậm.

Một khoảnh khắc choáng váng

"Khi tôi đọc sách của ông ấy vào năm 1974 ở Haiti, sau khi mua nó từ Canada, tôi cảm thấy như được khai sáng, một khoảnh khắc khiến bản thân choáng váng" - ông kể.

"Giọng văn mạnh mẽ của Garcia Marquez, các phép ẩn dụ sinh động mà ông sử dụng, đã gây sốc cho một độc giả trẻ là tôi khi đó và in dấu mẫu nhà văn mà tôi trở thành sau này".

Năm 2009, tạp chí Wasafiri dành cho hoạt động viết lách đương đại quốc tế đã đề nghị 25 nhà văn nêu tên cuốn sách đã tác động mạnh nhất trong việc định hình văn chương thế giới trong vòng 25 năm qua.

"Trăm năm cô đơn" là cuốn tiểu thuyết duy nhất được chọn hơn một lần, với ba nhà văn đã nêu tên nó.

Chika Unigwe, một nhà văn Nigeria sống ở Bỉ đã giành giải văn chương lớn nhất châu Phi hồi năm 2012, nói rằng kiệt tác của Garcia Marquez đã hoàn toàn định nghĩa lại cách nhìn nhận hiện thực.

 "Ngôn ngữ của tác phẩm rất mạnh mẽ; cách thức nó giao thoa với các thể loại khác rất rõ ràng và tôi không biết có nhà văn nào mình quen vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi Marquez" - bà nói.

Nil Parkes, một nhà thơ người Anh gốc Ghana nói: "Tôi nghĩ "Trăm năm cô đơn" đã dạy phương Tây cách đọc một hiện thực khác ngoài thực tế họ đang sống bên trong, qua đó đã mở nhiều cánh cửa cho các nhà văn tới từ ngoài phương Tây khác như tôi và các cây bút tới từ châu Phi, châu Á".

"Ngoài việc đây là cuốn sách tuyệt vời, nó đã dạy các độc giả phương Tây sự khoan dung trước các quan điểm khác" - Parkes nhận xét.

Sujata Bhatt, một nhà thơ Ấn Độ sống tại Đức đánh giá cuốn sách nổi bật so với các tác phẩm khác.

"Tôi tin cuốn sách cuối cùng có tác động lớn với thế giới văn chương là "Trăm năm cô đơn" - Bhatt nói.

Ở Pháp, Marquez được nhiều người ngưỡng mộ, gồm cố Tổng thống Francois Mitterrand, người đã mời ông tới Điện Elysee.

"Garcia Marquez đã chỉ cho tôi cách kể chuyện tự do. Tôi là người hoàn toàn ngưỡng mộ tác phẩm của ông ấy và tôi mắc nợ lớn với ông ấy cũng như Gunter Grass" - nhà văn Pháp Erik Orsenna nói với AFP.

"Khi tôi phát hiện ra Garcia Marquez, đó là một cú sốc lớn. Ở Pháp khi đó là thời kỳ của tiểu thuyết mới hình thành và hình thức kể chuyện trong văn bị cấm. Và rồi đột nhiên ở bên kia Đại Tây Dương, một nhà văn đã lại sáng tạo ra những câu chuyện kỳ ảo, với các nhân vật hết sức đẹp đẽ" - ông kể.

Garcia Marquez và ảnh hưởng lan tỏa trên khắp hành tinh ảnh 2Người hâm mộ cầm những bông hồng vàng tới tiễn biệt Marquez tại Mexico City ngày 17/4 (Nguồn: AFP)

Durand cho biết người đại diện của Garcia Marquez đã gửi cho ông bản thảo của "Trăm năm cô đơn" trước khi nó được xuất bản trong tiếng Tây Ban Nha. "Khi đó ông ấy không nổi tiếng, nhưng tôi hiểu ngay rằng đây là một kiệt tác" - ông nói.

Và ảnh hưởng của Garcia Marquez thậm chí còn để lại dấu ấn tại chính trị Iran.

Cuốn tiểu thuyết "Tin tức về một vụ bắt cóc" (News of a Kidnapping) của ông ra mắt năm 1996 đã bán rất chạy ở Tehran hồi năm 2011, khi lãnh tụ đối lập Mir Hossein Moussavi nói rằng câu chuyện về những người bị bắt cóc ở Colombia rất giống cuộc sống của ông khi bị quản thúc tại gia.

"Nếu các con muốn biết về tình cảnh khi bị quản thúc của cha, hãy đọc "Tin tức về một vụ bắt cóc" của Gabriel Garcia Marquez" - ông nói với các con gái trong một cuộc gặp gỡ, dẫn tới việc người Iran thi nhau mua cuốn sách này về đọc./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục