Theo số liệu chính thức do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 14/6, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh trong tháng Tư vừa qua tăng 0,2% so với tháng trước đó, nhờ chi tiêu tiêu dùng mạnh lên, cùng với sự hỗ trợ của ngành bán lẻ và ngành điện ảnh.
Trước đó, trong tháng Ba, kinh tế Anh giảm 0,3%. Số liệu vừa công bố làm gia tăng kỳ vọng rằng kinh tế Xứ sở Sương mù sẽ tránh được suy thoái kỹ thuật, bất chấp lạm phát hiện ở mức cao trong khi lãi suất tăng lên.
ONS cho hay trong tháng Tư, sản lượng lĩnh vực dịch vụ tăng 0,3%, nhờ xu hướng đi lên của ngành bán lẻ, ngành điện ảnh, thông tin và truyền thông, trong khi sản lượng lĩnh vực chế tạo giảm 0,3% và lĩnh vực xây dựng bất ngờ giảm 0,6%.
Sau khi số liệu trên được công bố, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho rằng chính phủ cần duy trì tập trung vào nhiệm vụ giảm lạm phát. Ông nêu rõ tăng trưởng cao cần đi đôi với lạm phát thấp, do đó Chính phủ Anh phải luôn kiên định với kế hoạch giảm 50% tỷ lệ lạm phát trong năm nay để bảo đảm ngân sách của các gia đình.
Tháng Tư vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Anh sẽ giảm khoảng 0,3%. Tuy nhiên, ngày 23/5, IMF cho rằng GDP của Anh có thể tăng khoảng 0,4% trong năm 2023, một phần do giá năng lượng "hạ nhiệt."
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva lý giải dự báo có sự thay đổi như vậy là do giá năng lượng giảm, nhu cầu ổn định, những lo ngại về các hệ lụy của Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu, đã phần nào được xoa dịu, trong khi ngành tài chính dần ổn định trở lại sau những bất ổn chính trị và các vụ phá sản của ngân hàng Mỹ.
Trước đó, Văn phòng Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt ngày 22/5 cho biết Bộ này sẽ đưa ra những lo ngại về việc giá lương thực tăng cao và thảo luận về các cách để giảm bớt căng thẳng cho các gia đình khi gặp mặt các nhà sản xuất thực phẩm hôm 23/5.
Ông Hunt cho biết giá lương thực duy trì ở mức cao dai dẳng, do đó cần phải biết nguyên do là gì.
[IMF: Kinh tế Anh sẽ không rơi vào suy thoái trong năm nay]
Cuộc gặp với các nhà sản xuất thực phẩm diễn ra vài tuần sau khi Thủ tướng Rishi Sunak tổ chức hội nghị thượng đỉnh về lương thực với sự tham dự của các hộ nông dân, nhà cung cấp, nhà bán lẻ và các cơ quan trong ngành để thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới và bền vững trong ngành.
Ông Hunt cũng có kế hoạch gặp Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường (CMA), cơ quan giám sát của nhà nước khi tuần trước cơ quan này cam kết sẽ đẩy mạnh công việc điều tra giá hàng tạp hóa sau khi giá thực phẩm tăng lên mức cao nhất trong 46 năm trong tháng 3/2023.
Số liệu chính thức cho thấy giá lương thực ở Anh trong tháng 3/2023 cao hơn 19% so với tháng trước đó, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8/1977, còn trong tháng 4/2023, lạm phát giá thực phẩm ở mức 17,3%.
Lạm phát lương thực đã ảnh hưởng không đồng đều tới các hộ gia đình có thu nhập thấp, những người dành nhiều tiền để mua lương thực và ít có khả năng trao đổi những thứ họ thường mua để lấy những thứ thay thế rẻ hơn.
Bộ Tài chính cho biết thêm chính phủ sẽ xem xét cập nhật các quy tắc định giá sau khi kết thúc đánh giá CMA.
Trong khi đó, tổ chức tư vấn độc lập Resolution Foundation dự đoán giá thực phẩm gia tăng tại Anh sẽ trở thành yếu tố chính thúc đẩy lạm phát hơn cả giá năng lượng trong mùa Hè này, trong đó các hộ gia đình nghèo sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Resolution Foundation cho biết giá các mặt hàng tạp phẩm đã tăng gần 20% trong năm qua và sẽ tiếp tục tăng hơn nữa, trong khi giá năng lượng được dự đoán sẽ bắt đầu giảm xuống trong vài tháng tới.
Số liệu chính thức dự kiến được công bố trong tuần tới được dự đoán sẽ cho thấy lạm phát tháng Tư giảm khoảng 2 điểm phần trăm từ mức 10,1% trong tháng Ba (so với cùng kỳ năm ngoái).
Lạm phát giảm xuống mức một con số sẽ giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp “thở phào” phần nào sau khi đã chịu áp lực tài chính nặng nề do giá cả tăng cao. Tuy nhiên, đà giảm được dự đoán sẽ chậm lại khi các công ty nâng giá thực phẩm./.