Ghe Ngo - Tài sản văn hóa quý giá của đồng bào Khmer

Ghe Ngo cùng với dàn nhạc ngũ âm trở thành hai tài sản văn hóa sinh hoạt cộng đồng, tôn giáo quý giá và độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer miền Tây Nam bộ.
Ghe Ngo - Tài sản văn hóa quý giá của đồng bào Khmer ảnh 1Giải đua ghe ngo truyền thống tại Bạc Liêu. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Ghe Ngo cùng với dàn nhạc ngũ âm trở thành hai tài sản văn hóa sinh hoạt cộng đồng, tôn giáo quý giá và độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer miền Tây Nam bộ.

Không có chiếc ghe nào có chiều dài, trọng lượng, trang trí hoa văn tinh xảo, có giá trị lớn và được nhiều người chèo như chiếc ghe Ngo.

Ghe Ngo được đóng hoàn toàn từ gỗ cây sao vì gỗ này có tính đàn hồi lớn, giúp chiếc ghe Ngo bơi nhanh khi di chuyển.

Trung bình mỗi chiếc ghe Ngo dài từ 28-30m, vì vậy người ta dùng năm miếng gỗ sao dài 15m ghép lại làm thân ghe, hai đầu ghe làm bằng gỗ sao nguyên khối, mỗi khối dài 7,5m được đẽo cho nhọn và cong.

Phía bên trong thân ghe, các mảnh gỗ này nối với các thanh gỗ cong bằng đinh, vừa tạo hình thân vừa làm chỗ ngồi cho 50 vận động viên bơi ghe.

Phía bên ngoài sẽ trải qua hai giai đoạn để làm thân ghe liền khít và không thấm nước. Giai đoạn “xẩm bố,” các mối nối giữa các mảnh gỗ sẽ được người thợ dùng dây bố khít vào các khe hở rồi dùng búa đóng chặt chúng vào trong, người thợ ở cộng đoạn “trét chay” sẽ dùng bột chay (một loại bột khô, mịn) trộn với dầu rồi trét khít vào các khe hở. Hoàn thành xong hai giai đoạn này, thân ghe sẽ liền khít và hoàn toàn không thấm nước.

Giai đoạn tỉ mỉ và tốn công nhất là trang trí bên ngoài thân ghe Ngo. Toàn thân ghe Ngo được vẽ hoa văn với các màu đặc trưng gồm đỏ, xanh, vàng, cam, đen, trong đó hoa văn ở đầu và đuôi ghe là được gọi là “đọt hoa văn” với những hình trang trí hoa, lá cách điệu nhỏ, nhọn, phần trang trí ở thân ghe Ngo được gọi là “lá hoa văn” với những hình hoa, lá to, tròn.

Sau khi làm xong ghe, người thợ bắt đầu làm “đòn dong” hay còn gọi là “cần câu” gồm hai cây tràm lớn nhiều năm tuổi, mỗi cây dài 10m, được chọn từ những cây tràm to, tròn và cong, một cây nằm từ giữa thân ghe ra đầu ghe, cây kia nằm ở hướng ngược lại, hai cây “cần câu” này có tác dụng giữ nhịp và tạo độ nhún cho ghe Ngo.

Anh Dư Minh Hồng, một thợ làm ghe Ngo, cho biết muốn làm ghe Ngo thì phải học nghề trong nhiều năm, nghề này được dạy và học theo cách cha truyền con nối.

Ba người thợ lành nghề sẽ hoàn thành chiếc ghe Ngo trong vòng một tháng, chiếc ghe làm xong nặng khoảng trên 4 tấn, trị giá hơn 200 triệu đồng và được sử dụng bởi đội đua ghe gồm 50 người. Người thợ đóng ghe Ngo sẽ đi khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ để đóng ghe cho các nơi có nhu cầu.

Đối với đồng bào dân tộc Khmer, ghe Ngo là một sản phẩm văn hóa, tinh thần có giá trị lớn nên luôn luôn được bảo quản và cất giữ ở chùa. Tại khuôn viên chùa, người ta xây một trại kiên cố có mái che, vách chống mưa, nắng rồi cho ghe Ngo vào bên trong, được kê cao cẩn thận.

Ông Danh Khinh - Trưởng Ban quản trị chùa Pothivanvongxa ở ấp 4, xã Xà Phiên, nơi có một chiếc ghe Ngo dành cho nam và đang đóng một chiếc ghe Ngo dành cho đội nữ chia sẻ lúc bắt đầu làm ghe cũng như lúc hoàn thành, nhà chùa và người dân đều làm lễ cúng thần, ghe Ngo được một vị thần canh giữ nên mỗi khi mang đi tham gia giải đua ghe đều cúng lễ hạ thủy để thần canh giữ giúp ghe di chuyển nhanh và giành giải cao.

Mỗi ghe Ngo có một đôi đua nam hoặc nữ gồm 85 người, trong đó có 50 người bơi chính thức. Đội đua này tập hợp những người dân Khmer khỏe mạnh, yêu thích bơi ghe Ngo và được huấn luyện bởi một người nhiều kinh nghiệm.

Trước mỗi đợt đua, đội ghe Ngo được tập hợp và tập trước trên giàn ở cạnh bờ sông, sau đó tập chính thức với ghe. Vào trận đua, 48 vận động viên cầm mái chèo ngồi thành hai hàng song song, người thuận tay trái ngồi ở bên trái, người thuận tay phải ngồi bên phải, một người có uy tín trong cộng đồng sẽ ngồi ở phía đầu ghe làm nhiệm vụ chỉ huy, điều chỉnh hướng, người huấn luyện viên ngồi ở đuôi ghe thổi còi để các vận động viên chèo theo nhịp.

Để ghe Ngo di chuyển nhanh và đúng hướng cần có sự phối hợp khéo léo của 50 người ngồi trong ghe, trong đó các vận động viên vừa giữ đúng nhịp theo còi của huấn luyện viên, vừa đúng hướng và đúng tốc độ theo sự điều khiển của người chỉ huy.

Theo truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, đua ghe Ngo được tổ chức vào lễ Ok Om Bok (lễ cúng trăng), đua ghe nhằm mục đích cầu mưa thuận gió hòa, đủ nước để mùa màng được tươi tốt.

Hiện nay, đua ghe Ngo cũng được tổ chức thành giải thể thao cấp quốc gia, khu vực quy tụ nhiều đội ghe Ngo ở các tỉnh, thành tham dự. Tham gia đua ghe Ngo là một niềm vui và vinh dự lớn của người dân trong các phum, sóc, vì vậy Ngoài đội đua hơn 80 người thì nhiều người dân trong vùng cũng đi theo đội ghe Ngo để thưởng thức các trận đấu và cổ vũ đội nhà.

Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có 15 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer nằm ở các vùng đông đồng bào dân tộc Khmer, trong đó có năm chiếc ghe Ngo được bảo quản ở các chùa tại huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh. Đây là những tài sản có giá trị văn hóa, tinh thần quý giá đối với đồng bào dân tộc Khmer cũng như của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục