Ghi nhận của phóng viên tại địa bàn Hà Nội cho thấy, thời gian qua, giá xăng dầu liên tục giảm nên giá hàng hóa trên thị trường có xu hướng giảm và điều này tác động tích cực tới khả năng cung cầu hàng hóa, nhất là khi dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.
Giá hàng hóa giảm nhẹ
Đối với hàng tiêu dùng thiết yếu, xăng dầu chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu tạo nên giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu biến động không thể không tác động đến giá thành sản phẩm. Chính vì vậy, ngay sau khi xăng dầu giảm giá, hệ thống siêu thị Big C đã cập nhật thông tin và yêu cầu các nhà cung cấp rà soát và xem xét lại giá thành sản phẩm cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, theo chương trình cam kết giá dài hạn mang tầm chiến lược của hệ thống siêu thị Big C được triển khai trên toàn quốc, hệ thống siêu thị Big C cam kết mang đến cho người tiêu dùng giá tốt nhất cho nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày.
Nhằm chia sẻ với người tiêu dùng, sau khi giá xăng giảm, Saigon Co.op ngay lập tức đã thiết lập lộ trình khuyến mãi và giảm giá nhiều mặt hàng từ nay cho đến tháng 2/2015.
Theo ông Nguyễn Thành Nhân - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, Giám đốc chuỗi siêu thị Co.opmart: "Saigon Co.op đang phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp thực hiện chương trình khuyến mãi, giảm giá theo hướng có lợi nhất cho người tiêu dùng. Tùy theo nhóm hàng cụ thể, việc tác động giá xăng đến tỉ lệ chi phí đầu vào của từng chủng loại sản phẩm mà tiến hành giảm giá nhanh nhất."
Một số mặt hàng lập tức giảm giá ngay sau khi giá xăng giảm. Cụ thể, mặt hàng củ quả được hệ thống Co.opmart giảm giá bán trung bình khoảng 15% so với giá bán trước đó. Ngoài ra, một số mặt hàng rau giảm giá khoảng 10-20%.
Hiện đa phần các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn đang đàm phán với các nhà cung ứng đánh giá mức độ ảnh hưởng của giá xăng dầu đến giá thành sản phẩm để có sự điều chỉnh phù hợp.
Các doanh nghiệp thương mại cũng kỳ vọng, với mức giảm xăng dầu như hiện nay, mặt bằng giá cả tiêu dùng những tháng cuối năm sẽ được điều chỉnh ở mức hợp lý. Từ đó, sức mua trên thị trường cũng tăng lên.
Còn tại các chợ truyền thống, cùng với yếu tố giá xăng dầu liên tục giảm thì nguồn cung hàng hóa thời điểm này tương đối dồi dào nên giá các mặt hàng thiết yếu giảm nhẹ.
Cụ thể, giá các mặt hàng gạo giảm từ 3-8% so với tháng trước. Tại chợ bán buôn, gạo Xi dẻo có giá 13.500 đồng/kg, gạo tám Điện Biên có giá 18.000 đồng/kg (giảm 500 đồng/kg), gạo tám Hải Hậu có giá 18.500 đồng/kg (giảm 1.000 đồng/kg).
Giá thịt lợn nạc thăn 82.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 78.000 đồng/kg, giảm 2.000đồng/kg; thịt mông sấn70.000 đ/kg giảm 5.000 đồng/kg; thịt bò thăn 230.000 đồng/kg, giảm 20.000đồng/kg; thịt bò mông 220.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg.
Đối với mặt hàng rau xanh, tháng 12 do đang vào chính vụ rau vụ đông nên nguồn cung rau, củ dồi dào, giá các loại rau giảm từ 20-40%.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường
Mặc dù giá cả hàng hóa trên thị trường ổn định và có xu hướng giảm, tuy nhiên, với trách nhiệm là cơ quan quản lý thương mại trên địa bàn thành phố, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn để kịp thời báo cáo, đề xuất các giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường khi thị trường có biến động. Trước hết là các mặt hàng lương thực, thực phẩm và các hàng hóa dịch vụ thiết yếu phục vụ Tết.
Cơ quan này cũng triển khai bán hàng bình ổn giá tại trên 600 điểm bán hàng cố định và hơn 1.600 điểm bán hàng là đại lý, cửa hàng, các bếp ăn khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, công ty trên địa bàn, đảm bảo giá bán và chất lượng ổn định.
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã giới thiệu địa điểm đề các doanh nghiệp tổ chức điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ nhân dân. Đến nay, đã có 36 địa điểm được giới thiệu cho doanh nghiệp tiến hành khảo sát, tổ chức bán hàng.
Trong dịp cuối năm này, Sở Công Thương Hà Nội chỉ đạo các doanh nghiệp tổ chức những chuyến bán hàng lưu động đưa hàng bình ổn giá kết hợp với các nhóm hàng phục vụ Tết về khu vực nông thôn, chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu chế xuất để người lao động có thu nhập thấp và trung bình có thể tiếp cận được với nguồn hàng hóa đảm bảo chất lượng, xuất xứ rõ ràng và giá bán ổn định.
Dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi, doanh nghiệp tổ chức triển khai khoảng 100 chuyến bán hàng lưu động để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân 18 huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố trong dịp Tết.
Bà Trần Thị Lan Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết: để kiểm soát chặt chẽ thị trường, ổn định khả năng cung cầu và giá cả cuối năm, Sở Công Thương phối hợp với các ban, ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ và có biện pháp can thiệp kịp thời để kiểm soát, ngăn chặn các hành vi thu gom lương thực, thực phẩm để xuất khẩu, làm phát sinh nguy cơ gây mất cân đối cung cầu ở thị trường trong nước.
Đồng thời, phối hợp với lực lượng công an và các ngành liên quan thành lập các đoàn kiểm tra chống các hành vi đầu cơ, găm hàng để tăng giá, đưa tin thất thiệt về cung cầu, giá hàng hóa, dịch vụ nhằm thu lợi bất chính.
Mặc dù những giải pháp Sở Công Thương Hà Nội đưa ra có tính đồng bộ nhưng cũng rất cần sự quyết liệt trong triển khai để thị trường hàng hóa cuối năm có sự ổn định, không làm xáo trộn đời sống nhân dân./.