Giá dầu Brent chạm mức đáy của ba tháng khi các cảng Libya mở lại

Giá dầu thế giới sụt giảm hơn 4%, trong đó giá dầu Brent chạm mức “đáy” của ba tháng khi các cảng của Libya mở cửa trở lại và giới giao dịch có thể chứng kiến nguồn cung của Nga tăng lên.
Giá dầu Brent chạm mức đáy của ba tháng khi các cảng Libya mở lại ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới sụt giảm hơn 4% trong phiên ngày 16/7, trong đó giá dầu Brent chạm mức “đáy” của ba tháng khi các cảng của Libya mở cửa trở lại và giới giao dịch có thể chứng kiến nguồn cung của Nga và các nước sản xuất “vàng đen” khác tăng lên.

Tại New York cuối phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 3,49 USD (hay 4,63%) xuống 71,84 USD/thùng. Trong lúc giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,95 USD (4,15%) xuống 68,06 USD/thùng. Trong phiên này, giá dầu Brent đã có lúc rơi xuống 71,52 USD/thùng, mức thấp kể từ giữa tháng 4/2018.

[Giá dầu tăng sau khi EIA công bố báo cáo triển vọng năng lượng]

Giá dầu giảm đã đảo lộn đà tăng ghi nhận được trong tuần trước do sự thiếu hụt nguồn cung ở Libya, cuộc đình công ở Na Uy và tình hình bất ổn tại Iraq.

Sản lượng dầu tại Libya vẫn đang trong trạng thái bấp bênh. Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Libya (NOC) cho biết mặc dù các cảng tại nước này mở cửa trở lại, song sản lượng tại mỏ dầu Sharara của Libya dự kiến sẽ giảm ít nhất 160.000 thùng/ngày sau khi hai công nhân bị một nhóm vũ trang bắt cóc.

Tuần trước khi trả lời phỏng vấn của báo giới, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho hay nước này và các nhà sản xuất dầu khác có thể tăng sản lượng thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày hoặc nhiều hơn con số đó, nếu thị trường thiếu hụt nguồn cung.

Những lo ngại về đà tăng trưởng GDP của Trung Quốc chậm lại cũng tác động đến giá dầu trong phiên ngày 16/7.

Nền kinh tế này đã tăng trưởng với nhịp độ chậm hơn trong quý 2 giữa bối cảnh những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế nợ làm tổn thương đến các hoạt động khác, trong khi sản lượng công nghiệp tháng Sáu giảm xuống mức thấp của hai năm do cuộc tranh chấp thương mại với Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.