Giá dầu Brent giảm chiều 5/7 do nỗi lo về nhu cầu nhiên liệu thế giới

Chiều 5/7, giá dầu Brent giao tháng 9/2022 giảm 60 xu Mỹ (tương đương 0,5%) xuống 112,89 USD/thùng vào lúc 14 giờ 38 phút (giờ Việt Nam).
Giá dầu Brent giảm chiều 5/7 do nỗi lo về nhu cầu nhiên liệu thế giới ảnh 1Một cơ sở lọc dầu ở thị trấn al-Buraqah của Libya. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Giá dầu Brent đi xuống trong chiều 5/7 trên thị trường châu Á, đảo ngược mức tăng đầu phiên do lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu nhiên liệu lấn át nỗi lo gián đoạn nguồn cung.

Phiên nay, giá dầu Brent giao tháng 9/2022 giảm 60 xu Mỹ (tương đương 0,5%) xuống 112,89 USD/thùng vào lúc 14 giờ 38 phút (giờ Việt Nam). Ngược lại, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tiến 1,13 USD (1,1%) lên 109,58 USD/thùng.

Giới đầu tư đang trở nên lo ngại hơn về triển vọng nhu cầu năng lượng, giữa bối cảnh điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nỗ lực kiểm soát lạm phát thông qua việc tăng lãi suất nhanh chóng.

Tương tự, Ngân hàng trung ương Australia ngày 5/7 cũng tăng lãi suất tháng thứ ba liên tiếp và phát tín hiệu sẽ còn các đợt tăng tiếp theo, khi nước này vật lộn để kiềm chế lạm phát gia tăng ngay cả khi có nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế.

[Nhóm cổ phiếu năng lượng nâng đỡ chứng khoán châu Âu phiên 4/7]

Tại Hàn Quốc, lạm phát trong tháng 6/2022 cũng đạt mức cao nhất gần 24 năm, làm tăng thêm lo ngại về đà tăng trưởng kinh tế chậm lại và nhu cầu dầu mỏ yếu đi.

Tuy nhiên, giá dầu đã được hỗ trợ từ những lo ngại về nguồn cung xuất phát từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nguồn dầu từ Nga liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine. Ngoài ra, việc các nhà sản xuất lớn ở Trung Đông ít khả năng tăng sản lượng và căng thẳng trong ngành dầu mỏ ở Na Uy cũng hỗ trợ giá dầu phần nào.

Hôm 5/7, công nhân ngành dầu mỏ Na Uy đã bắt đầu một cuộc đình công dự kiến sẽ khiến sản lượng dầu và khí đốt của nước này sụt giảm.

Trước đó, Hiệp hội Dầu khí Na Uy dự báo sản lượng dầu sẽ giảm tới 130.000 thùng/ngày kể từ ngày 6/7 do tác động của cuộc đình công. Theo tính toán của hãng tin Reuters, con số đó sẽ tương đương khoảng 6,5% sản lượng của Na Uy.

Ông Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận chiến lược Hàng hóa của ngân hàng ING cho hay dù còn những lo ngại về nhu cầu do triển vọng vĩ mô ảm đạm, thị trường năng lượng thế giới dự kiến vẫn thắt chặt trong thời gian còn lại của năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.