Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 3/8, với giá dầu Brent mất hơn 5% giá trị trong bối cảnh lĩnh vực chế tạo tại hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sa sút bên cạnh những lo ngại về nguồn cung “vàng đen” dôi dư trên toàn cầu.
Khép lại phiên giao dịch ngày 3/8, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 9/2015 hạ 1,95 USD (4,1%) xuống 45,17 USD/thùng. Tại London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 2,69 USD (5,2%) và đóng cửa ở mức 49,52 USD/thùng.
Đà giảm giá trên thị trường dầu thô tiếp tục kéo dài từ phiên cuối tuần trước (31/7), khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) thông báo sẽ không hạ sản lượng bất chấp giá dầu thấp.
Trong khi đó, các báo cáo mới nhất về tình hình yếu kém của lĩnh vực chế tạo tại Mỹ và Trung Quốc, hai nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới, đã làm xấu đi triển vọng vốn đã u ám của nhu cầu dầu mỏ.
Báo cáo của Caixin cho thấy PMI trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc giảm xuống 47,8 trong tháng Bảy, xuống dưới ngưỡng 50 phân định giữa tăng trưởng-suy giảm, và cũng là mức thấp nhất trong hai năm qua.
Tại Mỹ, chỉ số PMI tháng 7/2015 của nước này giảm xuống 52,7 từ mức 53,5 của tháng Sáu.
Làm gia tăng qua ngại về tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ thế giới là phát biểu của Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh về khả năng nước này sẽ tăng mạnh khối lượng dầu mỏ xuất khẩu ngay sau khi các lệnh cấm vận liên quan đến vấn đề hạt nhân của nước này được dỡ bỏ.
Giới phân tích nhận định rằng mặc dù kịch bản tăng thêm 500.000 thùng/ngày trong tuần đầu tiên và 1 triệu thùng/ngày trong tháng đầu tiên sau khi lệnh cấm vận của Iran được dỡ bỏ khó có thể xảy ra, song đây cũng là nhân tố tiêu cực khiến giá dầu đi xuống trong phiên này./.