Giá dầu tại thị trường châu Á giảm hơn 1 USD trong phiên giao dịch sáng ngày 2/8, do những quan ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế Trung Quốc sau khi khảo sát mới đây cho thấy, hoạt động sản xuất của nước này đang có xu hướng giảm mạnh.
Bên cạnh đó, quan ngại về nguy cơ nguồn cung gia tăng trở lại từ quyết sách của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng đè nặng lên thị trường năng lượng.
Đầu phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc hạ 1,12 USD (1,5%), xuống 74,29 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) mất 97 xu Mỹ (1,3%), xuống 72,98 USD/thùng, sau khi có lúc rớt xuống mức 72,87 USD/thùng.
Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của OANDA, cho biết Trung Quốc đang dẫn đầu sự phục hồi kinh tế ở châu Á và nếu đà phục hồi này chững lại lâu hơn, mối lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ gia tăng.
[Giá dầu thế giới tăng tháng thứ tư liên tiếp, lên mức hơn 76 USD]
Ông Moya lưu ý, triển vọng nhu cầu dầu thô hiện thiếu ổn định và tình trạng này có thể sẽ không cải thiện cho đến khi việc tiêm chủng toàn cầu đạt được những tiến bộ đáng kể.
Đà tăng trưởng trong hoạt động sản xuất các nhà máy của Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 7/2021, ghi nhận tốc độ tăng thấp nhất trong 17 tháng qua, do nhu cầu giảm lần đầu tiên sau hơn một năm, một phần vì giá hàng hóa tăng cao.
Điều đó càng “tô đậm” thêm những thách thức mà “công xưởng” của thế giới phải đối mặt.
Khảo sát của hãng tin Reuters cho hay sản lượng dầu mỏ của OPEC trong tháng 7/2021 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, khi nhóm này tiếp tục nới lỏng sản lượng theo thỏa thuận với các đồng minh, trong khi nhà xuất khẩu dầu lớn nhất OPEC là Saudi Arabia đã loại bỏ việc cắt giảm nguồn cung tự nguyện.
Điều này đã phần nào gây sức ép giảm lên thị trường dầu mỏ.
Giữa bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục gia tăng trên toàn cầu, các nhà phân tích cho biết, tỷ lệ tiêm chủng cao hơn sẽ hạn chế các đợt phong tỏa xã hội khắc nghiệt, vốn làm giảm nhu cầu năng lượng như trong thời kỳ cao điểm của đại dịch năm ngoái.
Tiến sỹ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ hàng đầu nước Mỹ, cho hay Mỹ sẽ không phong tỏa xã hội một lần nữa để hạn chế đại dịch COVID-19, nhưng "mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn" khi biến thể Delta làm tăng mạnh số ca lây nhiễm, chủ yếu đối với các đối tượng chưa tiêm chủng.
Mức tiêu thụ xăng hàng ngày của Ấn Độ đã vượt quá mức trước đại dịch vào tháng Bảy vừa qua, khi các bang nới lỏng việc phong tỏa xã hội do COVID-19, trong khi doanh số bán xăng thấp, báo hiệu hoạt động công nghiệp của nước này trong tháng Bảy sụt giảm./.