Giá dầu châu Á tăng nhẹ trong phiên sáng 22/6 nhờ nguồn cung thắt chặt hơn từ các nước sản xuất chủ chốt. Tuy nhiên, những quan ngại về số ca mắc COVID-19 gia tăng trên toàn cầu có thể kìm hãm sự phục hồi nhu cầu “vàng đen.”
Trên sàn giao dịch điện tử Singapore, lúc 7 giờ 09 phút (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc tăng 9 xu Mỹ (0,2%) lên 42,28 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) nhích 1 xu Mỹ lên 39,76 USD/thùng.
Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đã tăng khoảng 9% trong tuần trước và dầu Brent rơi vào tình trạng bù hoãn bán (khi giá giao ngay của một tài sản cơ sở cao hơn giá đang được giao dịch tại thị trường tương lai).
[Các nước cắt giảm sản lượng, giá dầu WTI tăng gần 10% trong tuần qua]
Tại Mỹ và Canada, số lượng giàn khoan dầu và khí đốt đang hoạt động đã giảm xuống mức thấp kỷ lục ngay cả khi giá dầu tăng cao thúc đẩy một số nhà sản xuất hoạt động trở lại.
Ngoài ra, Iraq và Kazakhstan đã cam kết sẽ tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong cuộc họp của các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), trong đó có Nga, hay còn gọi là OPEC+ hôm 18/6.
Tuy nhiên, OPEC+ vẫn chưa quyết định liệu có nên gia hạn thỏa thuận cắt giảm nguồn cung kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày đến tháng 8/2020 hay không.
Giá dầu cũng đã được “tiếp thêm sức” nhờ nhu cầu năng lượng trên thế giới dần phục hồi sau sự sụp đổ do các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19 trong thời gian tháng 4-5/2020, giữa bối cảnh nhiều nước trên thế giới nối lại hoạt động kinh tế
Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo báo số ca mắc COVID-19 đã tăng cao kỷ lục hôm 21/6, trong đó mức tăng lớn nhất ghi nhận tại khu vực Bắc và Nam Mỹ.
Số ca mắc COVID-19 tăng cao ở nhiều nơi trên thế giới như Bắc Kinh (Trung Quốc) và bang Victoria, nơi có đông dân cư thứ hai của AUstralia, đã thúc đẩy nhà chức chức trách áp đặt trở lại các hạn chế đi lại để ngăn chặn dịch bệnh lây lan./.