Giá dầu đồng loạt sụt giảm gần 5% sau báo cáo của IEA

Cơ quan Năng lượng Quốc tế vừa "giáng" thêm một đòn nữa vào giá dầu bằng việc hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu.
Giá dầu đồng loạt sụt giảm gần 5% sau báo cáo của IEA ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Xu hướng đi xuống tiếp tục đeo bám thị trường năng lượng trong phiên giao dịch ngày 14/10 tại Mỹ và Anh, sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa "giáng" thêm một đòn nữa vào giá dầu bằng việc hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu, giữa bối cảnh tăng trưởng kinh tế tại châu Á và châu Âu có xu hướng chậm lại.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 11/2014 hạ 3,9 USD, tương đương 4,5%, xuống 81,84 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng mất 3,85 USD (tương đương 4,3%), xuống 85,04 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2010. Tính từ giữa tháng Sáu năm nay, giá dầu ngọt nhẹ và giá dầu Brent lần lượt giảm 24% và 27%.

Diễn biến ảm đạm của thị trường năng lượng đã kéo dài trong nhiều ngày qua, do tình trạng cung vượt cầu vẫn tiếp diễn và viễn cảnh kinh tế toàn cầu thì không mấy sáng sủa.

Tới phiên giao dịch ngày 14/10, giới đầu tư dầu mỏ như bị "dội" thêm gáo nước lạnh khi IEA vừa quyết định cắt giảm mức dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu trong tháng thứ ba liên tiếp. Cụ thể, IEA dự kiến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới sẽ chỉ tăng 700.000 thùng trong năm nay, lên 92,4 triệu thùng/ngày, thấp hơn 200.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Cơ quan này cũng giảm dự báo tiêu thụ dầu mỏ năm 2015 từ mức 93,8 triệu thùng/ngày, xuống còn 93,5 triệu thùng/ngày.

Thêm vào đó, các số liệu tiêu cực mới đây từ kinh tế Đức cũng khiến giới đầu tư thất vọng và càng hoài nghi hơn về "sức khỏe" của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.

Theo Viện kinh tế Đức (ZEW), chỉ số lòng tin của các nhà đầu tư nước này trong tháng 10/2014 đã giảm xuống mức -3,6 điểm, thấp hơn 10,5 điểm so với tháng trước đó, đồng thời đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 11/2012./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.