Mặc dù đi xuống trong phiên cuối tuần, song đà tăng liên tiếp trước đó vẫn giúp giá dầu ghi nhận một tuần tăng.
Thị trường năng lượng mở cửa tuần này không mấy tích cực khi giá dầu giảm ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (6/6) và để mất mốc 120 USD/thùng do Saudi Arabia nâng giá dầu thô giao tháng Bảy.
Tuy nhiên, những nghi ngại rằng mục tiêu sản lượng cao hơn của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ sẽ không xoa dịu được tình hình nguồn cung thắt chặt.
Do đó, giá “vàng đen” quay đầu đi lên trong các phiên giao dịch liền sau đó (7-8/6).
[Infographics] Giá dầu thế giới lên mức cao nhất trong 13 tuần
Thậm chí, phiên 8/6, giá dầu đã tăng lên mức cao nhất 13 tuần nhờ nhu cầu xăng tại Mỹ tiếp tục gia tăng bất chấp giá cao kỷ lục, trong khi vẫn còn những lo ngại về nguồn cung tại nhiều nước, trong đó có Iran.
Giá các sản phẩm dầu tinh chế tăng mạnh cũng góp phần thúc đẩy đà tăng giá liên tục gần đây của dầu thô.
Trên toàn thế giới, nhiều nhà máy lọc dầu đã đóng cửa các cơ sở sản xuất và công suất cũng bị hạn chế do nguồn cung bị thắt chặt ở Nga, nước xuất khẩu dầu thô và nhiên liệu hàng đầu thế giới, do cuộc xung đột với Ukraine.
Giá dầu thế giới sụt giảm trong phiên giao dịch 9/6, song vẫn dao động gần ngưỡng cao nhất ba tháng, sau khi thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) áp đặt các biện pháp phong tỏa xã hội mới liên quan đến đại dịch COVID-19.
Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5/2022 của Trung Quốc đã tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước, khi việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát COVID-19 cho phép một số nhà máy hoạt động trở lại.
Đây là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 1/2022 và cao gấp đôi so với dự báo của các nhà phân tích.
Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ), nhận định: “Bất chấp số liệu tích cực về xuất khẩu của Trung Quốc, giá dầu vẫn giảm do thông tin về quận Minhang ở Thượng Hải đã phong tỏa trở lại, làm dấy lên lo ngại về sự suy yếu khác ở Trung Quốc vì chính sách “Zero COVID.”
Nhân tố này tiếp tục tạo sức ép cho giá dầu trong phiên cuối tuần, cùng với báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 5/2022.
Kết thúc phiên 10/6, giá dầu Brent giảm 1,16 USD (tương đương 1%) xuống 122,01 USD/thùng. Còn tại Mỹ, giá dầu WTI mất 84 xu Mỹ (tương đương 0,8%) xuống 120,67 USD/thùng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, dầu Brent và WTI vẫn lần lượt tăng 1,5% và 1,9%.
Giá dầu giảm cùng với đà đi xuống của chứng khoán Phố Wall sau thông tin giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng Năm đạt mức cao kỷ lục trong hơn 40 năm, chủ yếu do giá xăng đã cao kỷ lục và giá thực phẩm tăng vọt. Điều này làm tăng kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay hơn.
Phil Flynn, chuyên gia phân tích tại Price Futures, nhận định: “Mối lo ngại rằng đó có thể là dấu hiệu báo trước về thói quen tiêu dùng và mặc dù nhu cầu xăng hiện đang tăng mạnh, nhưng đó là dấu hiệu trong tương lai cho thấy nếu giá xăng không ổn định thì người tiêu dùng sẽ cắt giảm.”
Trong một tín hiệu tiêu cực khác về nhu cầu, Thượng Hải và Bắc Kinh đã quay trở lại báo động về dịch COVID-19 vào ngày 9/6.
Các khu vực của Thượng Hải đã áp đặt các lệnh hạn chế mới và thành phố này thông báo sẽ có đợt xét nghiệm hàng loạt đối với hàng triệu cư dân.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 5/2022 tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank nhận định: “Điều này không cho thấy nhu cầu dầu tăng lên. Thay vào đó, Trung Quốc có thể đã hành động cơ hội, mua dầu thô từ Nga với giá thấp hơn đáng kể so với mức giá thị trường toàn cầu để bổ sung nguồn dự trữ quốc gia.”
Dầu đã tăng hơn 1 USD vào đầu phiên này do lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung ở châu Âu và châu Phi.
Hiệp hội Dầu khí Na Uy (NOG) cho biết sản lượng dầu của Na Uy có thể bị giảm nếu công nhân đình công vào ngày 12/6, nếu cuộc đàm phán tiền lương hàng năm thất bại./.