Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng vọt trong phiên 31/8, ghi nhận tháng tăng thứ ba liên tiếp do đồn đoán Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, sẽ duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng cho đến cuối năm 2023.
Khép phiên này, giá dầu WTI giao tháng 10/2023 tăng 2 USD (2,5%) lên 83,63 USD/thùng. Giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 10/2023 tăng 1 USD (1,2%) lên 86,86 USD/thùng và giao tháng 11/2023 tăng 1,59 USD (1%) lên 86,83 USD/thùng.
Chủ tịch công ty tư vấn dầu khí Lipow Oil Associates, Andrew Lipow, cho biết thị trường dầu thô đang phản ứng với việc thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ được gia hạn. Thỏa thuận này có thể kéo dài đến cuối năm nay.
Dầu Brent đã “chốt” lại tháng 8/2023 với mức tăng 1,5%, còn dầu giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 2,2%. Giá hai loại dầu chủ chốt này đều tăng tháng thứ ba liên tiếp do những dấu hiệu cho thấy nguồn cung thắt chặt.
[Lo ngại về nhu cầu hạn chế đà tăng của giá dầu thế giới]
Các nhà phân tích dự đoán Saudi Arabia sẽ gia hạn cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày vào tháng 10/2023, bổ sung cùng với thỏa thuận cắt giảm sản lượng đang có hiệu lực của OPEC+.
Nhà phân tích Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank cho biết với việc giá dầu Brent đã chững lại ở khoảng mức trên 80 USD/thùng, khiến triển vọng những thùng dầu của Saudi Arabia quay trở lại thị trường bất cứ lúc nào có vẻ mong manh và tác động này ngày càng được cảm nhận rõ khi kho dự trữ thương mại các sản phẩm dầu thô và nhiên liệu tiếp tục giảm.
Về nguồn cung, dữ liệu mới nhất của chính phủ cho thấy sản lượng dầu thô của Mỹ tăng 1,6% trong tháng 6/2023 lên 12,844 triệu thùng/ngày, cao nhất kể từ tháng 2/2020, trước khi đại dịch COVID-19 tác động đến nhu cầu nhiên liệu và các sản phẩm dầu khác.
Một số liệu làm gia tăng dự đoán nguồn cung thắt chặt là dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm nhiều hơn dự kiến 10,6 triệu thùng trong tuần trước, do hoạt động lọc dầu chậm lại và xuất khẩu gia tăng.
Còn trên thị trường các kim loại quý, giá vàng thế giới dao động gần mức cao kỷ lục của một tháng qua, sau khi số liệu lạm phát ở Mỹ như mong đợi và số lượng việc làm yếu hơn đã củng cố dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất trong năm nay.
Khoảng 0 giờ 51 phút sáng 1/9 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.940,23 USD/ounce, vẫn gần mức cao nhất kể từ ngày 2/8 là 1.948,79 USD/ounce ghi nhận được trong phiên 30/8. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,4% xuống 1.965,90 USD/ounce.
Lạm phát của Mỹ được đo bằng chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đã tăng 0,2% trong tháng 7/2023, bằng với mức tăng của tháng Sáu. Trong 12 tháng tính đến tháng 7/2023, chỉ số giá PCE đã tăng 3,3%, sau khi tăng 3% trong tháng Sáu.
Chi tiêu tiêu dùng của Mỹ, vốn chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của đất nước, đã tăng tốc trong tháng 7/2023.
Trong khi đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần của Mỹ giảm 4.000 xuống còn 228.000 đơn, so sánh với mức trung bình trong bốn tuần là 237.500 đơn./.