Giá dầu thế giới chạm mức cao nhất 3 tuần trong phiên 5/10

Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ có thời điểm đã chạm mức 88,42 USD/thùng vào giữa phiên giao dịch 5/10, ghi dấu mức cao nhất kể từ ngày 15/9.
Giá dầu thế giới chạm mức cao nhất 3 tuần trong phiên 5/10 ảnh 1Bể chứa dầu thô tại Midland, bang Texas (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất trong 3 tuần trong phiên 5/10, khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng sâu nhất kể từ năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, bất chất nguồn cung trên thị trường bị thắt chặt, cùng với sự phản đối từ Mỹ và các quốc gia khác.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,24 USD (1,4%), lên 87,76 USD/thùng.

Giá loại dầu này thậm chí còn có thời điểm chạm mức 88,42 USD/thùng vào giữa phiên, ghi dấu mức cao nhất kể từ ngày 15/9.

[OPEC+ nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ ở mức 2 triệu thùng/ngày]

Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tăng 1,57 USD (1,7%), lên 93,37 USD/thùng.

Trong phiên, giá dầu Brent cũng “vọt” lên 93,96 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 15/9.

Trong cả hai phiên giao dịch gần đây nhất, giá của hai loại dầu chủ chốt này đều bật tăng mạnh.

Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày có thể thúc đẩy sự phục hồi của giá dầu, vốn đã giảm từ 120 USD/thùng cách đây 3 tháng xuống 90 USD/thùng do lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế toàn câu, lãi suất Mỹ gia tăng và đồng USD mạnh hơn.

Vào tháng 8/2022, OPEC+ đã không đạt được mức mục tiêu sản lượng 3,58 triệu thùng/ngày do một số quốc gia cung cấp thấp hơn nhiều so với mức hạn ngạch hiện có.

Chuyên gia phân tích Jorge Leon của công ty dịch vụ dầu khí Rystad Energy (Na Uy) nhận định: “Chúng tôi tin rằng mức mục tiêu sản lượng mới chủ yếu do các quốc gia Trung Đông chủ chốt gánh vác, dẫn đầu là Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Kuwait.”

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cùng ngày cho biết Nga có thể cắt giảm sản lượng dầu để bù đắp những tác động tiêu cực từ việc áp trần giá dầu Nga của phương Tây.

Một nguồn tin chia sẻ với hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) rằng Mỹ đang thúc ép các nhà sản xuất OPEC+ tránh cắt giảm sâu sản lượng, giữa lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden tìm cách ngăn chặn đà tăng giá xăng tại Mỹ trước cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào ngày 8/11/2022.

Ông Biden đã giải quyết được vấn đề giá xăng tại Mỹ tăng cao trong năm nay, với việc giá xăng hiện đã “hạ nhiệt” so với mức đỉnh, điều mà chính quyền ông Biden xem đó là một thành tựu lớn.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô, xăng và các sản phẩm chưng cất của nước này đã giảm trong tuần trước.

Dự trữ dầu thô tại Mỹ bất ngờ giảm 1,4 triệu thùng xuống còn 429,2 triệu thùng. Còn dự trữ xăng sụt 4,7 triệu thùng, mạnh hơn dự báo, trong khi dự trữ các sản phẩm chưng cất cũng giảm mạnh hơn dự báo, mất 3,4 triệu thùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.