Trong phiên giao dịch 4/10, giá dầu và giá vàng đều tăng, trong đó vàng lên cao nhất trong vòng 3 tuần, còn thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu tăng điểm.
Phiên 4/10, giá dầu thế giới tăng gần 3 USD/thùng
Trong phiên giao dịch 4/10, giá dầu thế giới tăng gần 3 USD/thùng trước sự yếu đi của đồng USD và dự đoán sản lượng dầu thô của các nhà sản xuất sẽ giảm mạnh.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm mạnh sản lượng khi nhóm họp ngày 5/10.
Động thái này sẽ siết chặt nguồn cung trên thị trường dầu mỏ, vốn đã eo hẹp do nhu cầu gia tăng, tình trạng thiếu vốn đầu tư và các vấn đề trong chuỗi cung ứng.
[Mỹ: Cung không đủ cầu, giá xăng ở California tăng cao kỷ lục]
Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 2,94 USD (3,3%) lên 91,80 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) tăng 2,89 USD (3,5%) lên 86,52 USD/thùng.
Theo các nguồn tin từ OPEC+, liên minh này đang thảo luận về việc cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, hãng tin Bloomberg đưa tin OPEC+ đang xem xét cắt giảm 2 triệu thùng/ngày.
Trong một phát biểu, Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait cho biết OPEC+ sẽ đưa ra quyết định phù hợp để đảm bảo nguồn cung năng lượng và phục vụ lợi ích của cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Theo ngân hàng Goldman Sachs, việc cắt giảm mục tiêu sản lượng là do giá dầu giảm mạnh gần đây và động thái này củng cố triển vọng tăng giá đối với “vàng đen.”
Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) đánh giá một số yếu tố có thể khiến giá dầu thô tăng cao hơn vào cuối năm, khi nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc phục hồi, OPEC+ cắt giảm nguồn cung, chương trình bơm dầu từ Kho Dự trữ Chiến lược (SPR) của Mỹ chấm dứt và lệnh cấm sắp tới của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu Nga.
Phiên 4/10, giá vàng thế giới lên mức cao nhất trong ba tuần
Trong phiên giao dịch 4/10, giá vàng thế giới tăng hơn 1% lên mức cao nhất trong ba tuần, khi đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ giảm. Hiện các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể áp dụng một cách tiếp cận bớt mạnh mẽ hơn đối với chính sách tăng lãi suất.
Cụ thể, giá vàng giao ngay có lúc tăng 1,5% lên 1.723,99 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 13/9. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 1,7% lên 1.730,50 USD/ounce. Phiên 3/10, giá vàng đã ghi nhận mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ tháng Ba.
Đà giảm của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và đồng USD khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác.
Theo chiến lược gia Bob Haberkorn tại công ty tư vấn đầu tư RJO Futures (Mỹ), thị trường đang đồn đoán rằng Fed sẽ lùi lại một chút và đây là lý do cho xu hướng tăng trở lại đối với các kim loại quý.
Dự kiến, thống kê về thị trường việc làm của Mỹ ngày 7/10 sẽ cung cấp định hướng rõ ràng hơn về chính sách tiền tệ của Fed.
Chuyên gia Haberkorn cho rằng nếu số liệu việc làm yếu hơn dự kiến, vàng sẽ tăng giá. Trong trường hợp ngược lại, thị trường sẽ củng cố quan điểm Fed tiếp tục tăng lãi suất.
Các nhà giao dịch cho biết chính sách tăng lãi suất là nhân tố gây bất lợi cho giá vàng. Người phụ trách chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, Ole Hansen, đánh giá vàng vẫn chịu sức ép, song cũng đã ghi nhận đà phục hồi mạnh mẽ.
Tại Việt Nam, chiều 4/10, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giao dịch ở mức 65,4- 66,4 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu tăng điểm trong phiên 4/10
Thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu tăng điểm trong phiên 4/10 và đồng USD giảm trong bối cảnh ngày càng có nhiều hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm bớt tốc độ tăng lãi suất.
Khép phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2,8% lên 30.316,32 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 3,1% lên 3.790,93 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 3,3% lên 11.176,41 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số CAC 40 tại thị trường Paris (Pháp) lúc đóng cửa tăng 4,2% lên 6.039,69 điểm, chỉ số DAX 30 tại thị trường Frankfurt (Đức) tăng 3,8% lên 12.670,48 điểm, chỉ số FTSE tại thị trường London (Vương quốc Anh) tăng 2,6% lên 7.086,46 điểm, chỉ số EURO STOXX 50 tăng 4,3% lên 3.484,48 điểm.
Fed và các ngân hàng trung ương khác đã nhanh chóng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát tăng vọt, nhưng việc thắt chặt chính sách tiền tệ đã làm dấy lên lo ngại rằng có thể đẩy các nước vào suy thoái.
Những lo ngại đó đã khiến giá cổ phiếu giảm mạnh trong những tuần gần đây, đặc biệt là khi Fed cho biết sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay và có thể là vào đầu năm sau để chống lại lạm phát.
Nhưng Phố Wall đã khởi đầu lạc quan cho quý 4 năm 2022 sau khi một cuộc khảo sát ngành công nghiệp được công bố hôm 3/10 cho thấy tăng trưởng sản xuất của Mỹ chậm hơn dự kiến trong tháng 9/2022, là mức thấp nhất trong hơn hai năm và áp lực giá cả giảm bớt.
Các thị trường chứng khoán có xu hướng tiếp tục khởi sắc vào ngày 4/10 sau khi Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) tăng lãi suất chỉ 0,25 điểm phần trăm, bằng một nửa mức tăng dự kiến.
Nhà phân tích Richard Hunter của Trung tâm Interactive Investor cho biết: “Số liệu sản xuất yếu hơn kỳ vọng của Mỹ được coi là tín hiệu cho thấy lãi suất tăng có thể tác động đến nhu cầu hàng hóa hạ nhiệt. Điều này dẫn đến hy vọng Fed sẽ thay đổi chính sách mặc dù “bóng ma” lạm phát vẫn còn.
Thị trường chứng khoán phục hồi khi đồng USD yếu do kỳ vọng tăng lãi suất vừa phải, và đồng bảng Anh cũng được hỗ trợ bởi quyết định của chính phủ Anh từ bỏ kế hoạch cắt giảm mức thuế 45% đưa ra trước đó.
Các nhà đầu tư sẽ tập trung vào báo cáo việc làm quan trọng của Mỹ được công bố vào cuối tuần này để đoán định về tình hình "sức khỏe" của nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng dữ liệu mới hôm 4/10 cho thấy số lượng việc làm trong tháng Tám đã giảm đáng kể.
Chốt phiên giao dịch ngày 4/10, VN-Index giảm 8,3 điểm xuống 1.078,14 điểm. HNX-Index giảm 2,56 điểm xuống 235,61 điểm./.