Giá dầu thế giới chứng kiến tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 2

Tuần qua, thị trường dầu mỏ thế giới chứng kiến các phiên tăng giảm đan xen, song tính chung cả tuần, giá dầu Brent vẫn giảm 2,8% và giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giảm tới 4,4%.
Giá dầu thế giới chứng kiến tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 2 ảnh 1Một trạm bơm xăng dầu tại Jeddah, Saudi Arabia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuần qua, thị trường dầu mỏ thế giới chứng kiến các phiên tăng giảm đan xen, song tính chung cả tuần, giá dầu Brent vẫn giảm 2,8% và giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giảm tới 4,4%, mức giảm theo tuần mạnh nhất kể từ đầu tháng Hai.

Trong phiên giao dịch đầu tuần (2/4), giá dầu thế giới giảm hơn 2% do áp lực từ việc sản lượng khai thác dầu mỏ của Nga tăng lên cùng với kỳ vọng của thị trường về khả năng Saudi Arabia sẽ cắt giảm giá bán dầu thô cho các khách hàng thị trường châu Á.

Một số nguồn thông tin cho biết Saudi Arabia dự kiến sẽ giảm giá tất cả các loại dầu thô bán cho thị trường châu Á trong tháng Năm tới. Trong khi đó, một thống kê cho thấy sản lượng khai thác dầu thô chính thức của Nga trong tháng 3/2018 đã tăng lên 10,97 triệu thùng/ngày, so với mức 10,95 triệu thùng/ngày của tháng Hai

Sang phiên giao dịch ngày 3/4, giá dầu hồi phục khi giới kinh doanh chờ đợi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố lượng dầu mỏ dự trữ của nước này. Các nhà kinh doanh và thương gia cũng có vẻ phấn khích trước nhận định của Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak rằng một tổ chức hợp tác chung giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước không thuộc OPEC có thể sẽ được thành lập khi thoả thuận hiện tại về cắt giảm sản lượng hết hiệu lực vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, tới phiên giao dịch ngày 4/4, giá dầu lại quay đầu giảm sau khi Trung Quốc lên kế hoạch áp thuế đối với 106 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, điều làm gia tăng quan ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, sự sụt giảm của giá dầu trong phiên này phần nào bị hạn chế bởi số liệu cho thấy lượng dầu dự trữ của Mỹ bất ngờ giảm xuống.

[Qatar: Quá sớm để OPEC rút lại thỏa thuận cắt giảm sản lượng]

Theo EIA, lượng dầu dự trữ của Mỹ đã giảm 4,6 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược với dự đoán tăng 246.000 thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó. Bên cạnh đó, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi việc thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục.

Giá dầu lấy lại đà tăng trong phiên 5/4 khi các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm và Saudi Arabia bất ngờ tăng giá bán dầu thô. Phil Flynn, chuyên gia phân tích tại Price Futures Group tại Chicago, cho biết Saudi Arabia - “ông lớn” trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - thông báo nước này sẽ tăng giá bán chính thức dầu thô giao tháng 5/2018, và điều này đã trợ lực cho giá “vàng đen.”

Trong phiên cuối tuần (6/4), giá dầu giảm khoảng 2%, trước mối lo ngại của giới đầu tư về quan hệ thương mại ngày càng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chốt phiên này, giá dầu Brent giảm 1,22 USD xuống 67,11 USD/thùng; còn giá dầu WTI giảm 1,48 USD (2,3%) xuống 62,06 USD/thùng.

Ngày 6/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định Bắc Kinh sẽ ngay lập tức đáp trả mạnh mẽ mà không do dự nếu Washington ban bố danh sách áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 100 tỷ USD có xuất xứ Trung Quốc. Ông Lục Khảng cảnh báo nguy cơ chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do đang bị đe dọa, và quá trình toàn cầu hóa kinh tế bị hủy hoại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hồi phục của toàn bộ nền kinh tế thế giới.

Chủ tịch Ritterbusch & Associates, Jim Ritterbusch, lưu ý rằng triển vọng về một cuộc chiến thương mại có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ “vàng đen.”

Trong một thông tin liên quan, công ty Baker Hughes cho biết trong tuần tính đến ngày 6/4, số giàn khoan dầu tại Mỹ đã tăng thêm 11 lên 808 giàn khoan, mức cao nhất kể từ tháng 3/2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.