Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên 19/7 do hoạt động chốt lời

Những người tham gia thị trường đã tận dụng mức giá dầu tăng để chốt lời trong phiên 19/7, hoạt động này đã kéo giá dầu thế giới đi xuống vào cuối phiên.
Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên 19/7 do hoạt động chốt lời ảnh 1Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Essen, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên 19/7 do hoạt động chốt lời sau khi tăng trước đó cùng phiên nhờ các thông tin có lợi cho thị trường.

Phiên này, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 17 xu Mỹ xuống 79,46 USD/thùng, trong khi dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 40 xu Mỹ xuống 75,35 USD/thùng.

Trước đó cùng phiên, cả hai hợp đồng đều tăng hơn 1 USD/thùng trước khi giảm dần về cuối phiên.

Ông Phil Flynn, nhà phân tích tại công ty môi giới đầu tư Price Futures Group, cho hay những người tham gia thị trường đã tận dụng mức giá lên cao để chốt lời.

Yếu tố giúp hạn chế tổn thất là báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 708.000 thùng trong tuần trước xuống 457,4 triệu thùng.

Con số trên thấp hơn rất đáng kể so với kỳ vọng của các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters là giảm 2,4 triệu thùng.

[Giá dầu trên thị trường thế giới tăng hơn 1% trong phiên 18/7]

Báo cáo của EIA cũng cho thấy lượng dầu trong kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) đã tăng lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021, khi Chính phủ Mỹ cố gắng lấp đầy kho sau mức giảm kỷ lục vào năm ngoái.

Trong một biện pháp có thể thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ, các nhà hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đã cam kết sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ khôi phục và mở rộng hoạt động tiêu dùng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Một dấu hiệu tích cực khác là phát biểu từ thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Klaas Knot. Ông cho rằng việc tăng lãi suất sau cuộc họp của ECB vào tuần tới là "không hoàn toàn chắc chắn.”

Chuyên gia Naeem Aslam của công ty dịch vụ đầu tư Zaye Capital Markets cho biết giới giao dịch đã bắt đầu trở nên lạc quan hơn rất nhiều khi lạm phát yếu đi. Bất kỳ sự cải thiện nào trong số liệu lạm phát cũng có nghĩa là nhu cầu dầu mỏ được cải thiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.