Giá dầu thế giới giảm 1,5% trong tuần qua trước mối lo suy thoái

Giá dầu thế giới đi xuống ngay trong phiên đầu tuần 15/8, sau khi số liệu kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu và làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Giá dầu thế giới giảm 1,5% trong tuần qua trước mối lo suy thoái ảnh 1Giếng dầu ở thành phố Almetyevsk, Cộng hòa Tatarstan (Liên bang Nga). (Ảnh: TASS/TTXVN)

Giá dầu thế giới giảm khoảng 1,5% trong tuần qua dù có phục hồi nhẹ vào phiên cuối tuần 19/8, khi đồng USD mạnh lên và giới đầu tư lo ngại rằng suy thoái kinh tế sẽ làm suy yếu nhu cầu dầu thô.

Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tiến 13 xu Mỹ lên 96,72 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 27 xu lên 90,77 USD/thùng.

Giá dầu đi lên trong phiên giao dịch nhiều bất ổn này chủ yếu nhờ nhận xét của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh Richmond, ông Thomas Barkin. Ông cho rằng động lực cho việc tăng lãi suất cũng cần được cân bằng với tác động của việc điều chỉnh lãi suất đối với nền kinh tế.

Tuy nhiên, giá dầu thô sau đó vẫn tăng khiêm tốn do nhà đầu tư lo ngại về các đợt tăng lãi suất sắp tới.

Việc đồng USD đạt mức cao nhất trong 5 tuần cũng hạn chế mức tăng của dầu thô, vì đồng bạc xanh mạnh hơn cũng khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Theo giới quan sát, yếu tố chính ảnh hưởng tới diễn biến thị trường năng lượng trong tuần qua là các số liệu kinh tế trái chiều.

Trong phiên đầu tuần 15/8, giá dầu thế giới đi xuống sau khi số liệu kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu và làm giảm nhu cầu nhiên liệu. Chốt phiên này, giá dầu Brent giảm 3,05 USD (3,1%) xuống 95,10 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,68 USD (2,9%) xuống 89,41 USD/thùng.

Giá dầu thế giới giảm khoảng 3% trong phiên 16/8 xuống mức thấp nhất kể từ trước chiến dịch đặc biệt của Nga tại Ukraine, do các số liệu kinh tế làm dấy lên lo ngại về khả năng suy thoái toàn cầu.

Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 2,76 USD (2,9%) xuống 92,34 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI giảm 2,88 USD (3,2%) xuống 86,53 USD/thùng.

Bên cạnh đó, các số liệu kinh tế yếu cũng đang đè nặng lên giá dầu. Hoạt động xây nhà tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần một năm rưỡi qua vào tháng Bảy, do lãi suất cho vay thế chấp và giá nguyên vật liệu xây dựng tăng. Điều này cho thấy thị trường nhà ở có thể suy giảm hơn nữa trong quý 3.

[Lo ngại sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu, giá dầu quay đầu giảm]

Sang phiên 17/8, giá dầu thế giới tăng sau khi số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn đáng kể so với dự báo. Giá dầu WTI phiên này tăng 1,58 USD (1,8%) lên 88,11 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng tiến 1,31 USD (1,4%) lên 93,65 USD/thùng.

Phiên 18/8, giá dầu thế giới lại tăng khoảng 3% nhờ dữ liệu kinh tế tích cực. Mức tiêu thụ nhiên liệu mạnh mẽ của Mỹ cũng giúp lấn át lo ngại về đà giảm tốc của nhiều nền kinh tế có thể làm giảm nhu cầu dầu. Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu WTI tăng 2,39 USD (2,7%), lên 90,50 USD/thùng. Giá dầu Brent Biển Bắc tăng 2,94 USD (3,1%), lên 96,59 USD/thùng.

Dù tăng nhẹ trong phiên 19/8, giá cả hai loại dầu vẫn giảm hơn 1% trong tuần qua, với dầu WTI mất 1,4% còn dầu Brent lùi 1,5%.

Trong một báo cáo ngắn gửi tới khách hàng, ông Jim Ritterbusch thuộc công ty tư vấn kinh doanh dầu mỏ Ritterbusch and Associates, cho biết mặc dù thị trường dầu mỏ có thể “phớt lờ” tác động của một đồng USD mạnh bất kỳ khi nào, nhưng xu hướng đồng USD mạnh lên trong thời gian dài sẽ tạo thành “cơn gió ngược” chống lại đà tăng giá bền vững của dầu.

Bên cạnh đó, nguồn cung có thể thắt chặt trở lại khi các khách hàng châu Âu bắt đầu tìm kiếm nguồn cung thay thế cho dầu của Nga trước khi các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực từ ngày 5/12.

Trong một lưu ý, công ty tư vấn FGE tính toán rằng EU sẽ cần thay thế 1,2 triệu thùng dầu thô nhập khẩu bằng đường biển từ Nga mỗi ngày bằng nguồn cung từ các khu vực khác.

Giá dầu thế giới giảm 1,5% trong tuần qua trước mối lo suy thoái ảnh 2Các bể chứa dầu thuộc công ty dầu khí Lukoil của Nga tại Brussels (Bỉ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc các quan chức Fed nói về sự cần thiết phải tăng lãi suất lên cao hơn, cùng việc giới đầu tư đánh giá biên bản cuộc họp tháng Bảy mới được công bố mang tính “diều hâu” hơn trước đây cũng tạo thêm sức ép cho giá dầu. Theo giới quan sát, có vẻ như nhiều quan chức Fed đang chuẩn bị cho một đợt tăng lãi suất 50-75 điểm cơ bản tiếp theo vào tháng Chín.

Các nhà giao dịch dầu đã lo lắng về khả năng lãi suất cao tại Mỹ có thể dẫn đến suy thoái kinh tế và cắt giảm nhu cầu đối với loại hàng hóa này.

Trong khi đó, hỗ trợ cho một môi trường giá dầu biến động trái chiều, dữ liệu hôm thứ Tư từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho thấy nhu cầu mạnh mẽ, trong khi Nga cũng cho thấy có đủ khả năng sẽ tìm được người mua mới cho dầu của họ.

Báo cáo tuần tới của EIA sẽ được thị trường theo dõi chặt chẽ để xem liệu nhu cầu ổn định của tuần này chỉ là một sự bất thường hay một tiêu chuẩn mới.

Các nhà giao dịch dầu cũng sẽ để mắt đến những diễn biến gắn liền với thỏa thuận hạt nhân Iran. Việc khôi phục thỏa thuận có thể khiến Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran, từ đó nước này sẽ được phép đóng góp nhiều dầu hơn cho thị trường toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.