Giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2014

Trong phiên giao dịch chiều ngày 7/5, giá dầu tăng 1% lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2014 tại thị trường châu Á, trong bối cảnh nền kinh tế Venezuela đang khủng hoảng trầm trọng.
Giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2014 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty)

Trong phiên giao dịch chiều ngày 7/5, giá dầu tăng 1% lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2014 tại thị trường châu Á, trong bối cảnh nền kinh tế Venezuela đang khủng hoảng trầm trọng và các nhà đầu tư lo ngại về khả năng Mỹ sẽ áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Iran.

Tại thị trường Singapore, vào chiều ngày 7/5, giá dầu Brent kỳ hạn tăng 70 xu Mỹ (0,9%) lên 75,57 USD/thùng. Trước đó, cũng trong phiên này, giá dầu Brent đã từng có lúc vọt lên 75,89 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 70 xu Mỹ (1%) lên 70,42 USD/thùng.

Shannon Rivkin, Giám đốc phụ trách đầu tư của Rivkin Securities cho biết, giá dầu tăng do thị trường lo ngại về nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế Venezuela và ngành dầu mỏ nước này, cũng như khả năng Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dọa có thể sẽ quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ cùng với Đức) năm 2015 - hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Tổng thống D.Trump hiện đặt thời hạn chót để các nước châu Âu soạn hiệp định bổ sung cho JCPOA là ngày 12/5 tới, sau đó Washington sẽ chính thức đưa ra quyết định "đi hay ở."

Stephen Innes, Giám đốc doanh nghiệp môi giới hàng hóa kỳ hạn OANDA, cho biết các biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran "có thể đẩy giá dầu tăng thêm đến 5 USD/thùng."

Trong khi đó, sản lượng dầu mỏ của Mỹ có khả năng sẽ tăng hơn nữa trong năm nay, thậm chí có thể vượt ngưỡng 11 triệu thùng/ngày của Nga. Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes thông báo các công ty năng lượng Mỹ đã tăng thêm 9 giàn khoan trong tuần tính đến ngày 4/5, nâng tổng số giàn khoan hoạt động ở Mỹ lên 834 giàn, mức cao nhất kể từ tháng 3/2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.