Giá dầu thế giới trên 100USD/thùng tác động hai mặt lên nền kinh tế

Thuế và phí trên hàng hóa xăng, dầu ở Việt Nam không phải là mức thấp, do đó trong ngắn hạn Chính phủ điều chỉnh một mức thuế phù hợp sẽ giúp người dân thích ứng và làm quen với môi trường giá mới.
Giá dầu thế giới trên 100USD/thùng tác động hai mặt lên nền kinh tế ảnh 1Mua bán xăng dầu tại một điểm kinh doanh xăng dầu trên đường Trần Khát Trân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Bên cạnh những quan ngại việc giá dầu thế giới liên tục tăng cao sẽ gây áp lực cho lạm phát đồng thời ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong nước, các chuyên gia cho biết thêm đây là tác động ảnh hưởng có tính hai mặt.

Gia tăng khó khăn tới người nghèo

Theo tiến sỹ Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa Kinh tế, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá dầu thế giới tăng rõ ràng tác động tích cực đến các nước xuất khẩu dầu mỏ. Song ngược lại, nó cũng sẽ gây khó khăn cho các nước nhập khẩu xăng dầu. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu dầu thô đồng thời nhập khẩu xăng dầu thành phẩm. Theo đó, các công ty sản xuất và thăm dò dầu khí có thể được hưởng lợi, còn lại khu vực sản xuất, dịch vụ liên quan đến tiêu dùng dầu xăng dầu và vận chuyển sẽ bị “đội” chi phí.

Đồng tình với nhận định trên, phó giáo sư, tiến sỹ Ngô Trí Long chỉ ra tỷ trọng thu từ xuất khẩu dầu thô chiếm khoảng 7-8 % trong thu ngân sách. Do đó, khi giá dầu thế giới tăng sẽ là hai mặt của một vấn đề, cụ thể tác động tích cực làm cho nguồn thu ngân sách tăng lên song cũng làm gia tăng áp lực lạm phát, bởi chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế.

“Mặt khác, trong bối cảnh vừa phục hồi kinh tế, vừa kiểm soát dịch bệnh COVID-19, các chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách ưu đãi về miễn, giảm, giãn thuế rất lớn cộng với giá xăng dầu tăng cao thì việc kiểm soát lạm phát cần phải được cảnh báo. Mục tiêu CPI tăng 4% (Quốc hội đề ra cho năm 2022) sẽ là thách thức rất lớn và trong hoàn cảnh này, người dân nghèo sẽ là đối tượng chịu nhiều khó khăn nhất,” ông Long nhấn mạnh.

Điều chính chính sách ngắn hạn

Trên thị trường, giá dầu thế giới liên tục “leo thang” và chính thức vượt ngưỡng 105 USD/thùng vào ngày 24/2. Trước đó, giá xăng E5 RON 92 trong nước đã tăng lên 25.532 đồng/lít và xăng RON 95-III là 26.287 đồng/lít từ ngày 21/2.

Song, ông Bình cũng dẫn chứng trong quá khứ, giá dầu thế giới đã có lúc gần chạm mốc 150USD/thùng vào tháng 7/2008 nhưng lại lao dốc về 40USD/thùng trong tháng 12/2008 và sau đó nhiều lần rung lắc quanh ngưỡng 100USD/thùng. Theo đó, mỗi lần giá dầu biến động lên, xuống mạnh đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam ở các mức độ khác nhau, dựa trên yếu tố nền tảng tại mỗi thời điểm.

Thời điểm hiện tại, ông Bình nhấn mạnh dịch bệnh đang ảnh hưởng rất nặng ở Hà Nội và ở một số tỉnh, song hoạt động sản xuất-kinh doanh tại các doanh nghiệp vẫn diễn ra sôi động. Cộng đồng, người dân đang hòa nhập với tư duy mới, phong cách mới và không còn quá quan ngại với dịch bệnh như trước đây.

“Do đó, mặc dù giá xăng dầu lên cao sẽ làm gia tăng tỷ lệ lạm phát, nhưng không quá quan ngại. Bởi, nền kinh tế trong quý 1/2022 vẫn được kỳ vọng sẽ khởi sắc rất mạnh với cách tiếp cận mới trong phòng chống dịch bệnh và các nguồn lực khác (như yếu nội lực, yếu tố đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang tiến triển rất tốt). Gần đây, nhiều đánh giá trong nước và quốc tế cũng đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 sẽ cao hơn 2021. Riêng trong quý 1, tăng trưởng GDP được dự báo có thể lên trên 5 %,” ông Bình trao đổi.

Tiến sỹ Ngô Trí Long cũng nhấn mạnh lạm phát do rất nhiều yếu tố tác động chứ không phải chỉ riêng việc giá dầu, trong đó các chính sách tiền tệ, tài chính và thương mại là một trong những yếu tố ảnh hưởng tương đối lớn.

“Vì vậy, các chính sách kiểm soát lạm phát cần phải được chú trọng đồng thời có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực quản lý nâng cao hiệu quả và tiêu dùng tiết kiệm trong cộng đồng,” ông Long nói.

Theo ông Bình, tỷ lệ thuế và phí trên mỗi lít xăng tính trung bình tại các nước là khoảng 30-40 %, tuy nhiên không nên so sánh giá dầu bình quân của thế giới với Việt Nam vì phải nhìn nhận đến yếu tố thu nhập bình quân đầu người (cụ thể Việt Nam chưa thể tiếp cận với mức bình quân của thế giới 12.000USD/người/năm).

“Trên thực thế, mức thuế và phí trên hàng hóa xăng, dầu ở Việt Nam không phải là mức thấp và giá xăng, dầu đang nằm mức độ cao trong khu vực. Do đó, nếu Chính phủ điều chỉnh một mức thuế phù hợp trong thời điểm trước mắt sẽ giúp người dân thích ứng, làm quen với môi trường giá mới. Về dài hạn, chính sách có thể điểu chính nâng thuế về mức cũ cho phù hợp với tính chất thị trường,” ông Bình đề xuất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.