Giá dầu thị trường thế giới đạt mốc cao nhất trong gần hai tuần

Giá dầu WTI tăng khoảng 3% trong phiên 5/7, sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 4/7 của Mỹ, còn giá dầu Brent biển Bắc tăng 40 xu (0,5%) lên 76,65 USD/thùng, sau khi tăng 1,60 USD/thùng hôm 4/7.
Giá dầu thị trường thế giới đạt mốc cao nhất trong gần hai tuần ảnh 1Giếng dầu South Belridge ở hạt Kern, bang California (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cả hai loại dầu chủ chốt, dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) và dầu Brent biển Bắc, đều đạt mức cao nhất trong gần hai tuần trong phiên giao dịch ngày 5/7.

Giá dầu WTI tăng khoảng 3% trong phiên 5/7, sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 4/7 của Mỹ.

Khép phiên này, giá dầu WTI tăng 2 USD so với mức đóng phiên 3/7 lên 71,79 USD/thùng.

Còn giá dầu Brent biển Bắc tăng 40 xu (0,5%) lên 76,65 USD/thùng, sau khi tăng 1,60 USD/thùng hôm 4/7.

[Sức tiêu thụ nhiên liệu tại Mỹ chi phối thị trường dầu thế giới]

Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, ngày 3/7 cho biết sẽ gia hạn thời gian cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến tháng 8/2023.

Còn Nga và Algeria tự nguyện giảm sản lượng và mức dầu xuất khẩu trong tháng 8/2023 lần lượt là 500.000 thùng/ngày và 20.000 thùng/ngày.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS cho biết việc cắt giảm tự nguyện trong tháng 7/2023 và gia hạn sang tháng 8/2023 sẽ thắt chặt đáng kể thị trường dầu mỏ, nhưng các nhà đầu tư sẽ đứng ngoài cuộc cho đến khi lượng dầu trong các kho dự trữ giảm đáng kể.

Các nguồn tin thị trường dẫn số liệu của Viện Xăng Dầu Mỹ (API) cho hay dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm khoảng 4,4 triệu thùng trong tuần trước, còn dự trữ xăng và các chế phẩm từ dầu tăng.

Giá dầu hầu như không thay đổi sau dữ liệu API, được công bố vào cuối ngày 5/7. Số liệu của chính phủ về dự trữ dầu sẽ được công bố vào lúc 22 giờ ngày 6/7.

Các thương nhân cho biết ngày 4/7 đánh dấu mùa du lịch cao điểm của Mỹ và các báo cáo dự trữ dầu trong tuần này có thể đóng một vai trò lớn trong việc đẩy giá dầu lên cao hơn hoặc thấp hơn.

Ngân hàng Morgan Stanley đã hạ dự báo giá dầu, dự đoán thị trường sẽ dư thừa trong nửa đầu năm 2024 với nguồn cung ngoài OPEC tăng nhanh hơn nhu cầu trong năm tới.

Các cuộc khảo sát gần đây đã cho thấy hoạt động của các nhà máy trên toàn cầu sụt giảm, phản ánh nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc và châu Âu.

Sự chú ý của thị trường cũng tập trung vào lãi suất, trong đó các ngân hàng của Mỹ và châu Âu dự kiến sẽ tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.