Giá dầu trên thị trường châu Á chiều 19/9 giảm hơn 1%

Khoảng 15h22 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 11 tới giảm 1,17 USD (1,3%) xuống 90,18 USD/thùng; giá dầu WTI giao tháng 10/2022 giảm 1,14 USD (khoảng 1,3%) xuống 83,97 USD/thùng.
Giá dầu trên thị trường châu Á chiều 19/9 giảm hơn 1% ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu của Iran trên đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu châu Á giảm hơn 1% trong phiên 19/9 trước dự báo nhu cầu thế giới suy yếu và đồng USD mạnh lên trước khả năng lãi suất sẽ tăng mạnh bất chấp những lo ngại về nguồn cung đã hạn chế đà giảm giá của “vàng đen.”

Các ngân hàng trung ương trên thế giới chắc chắn sẽ tăng lãi suất trong tuần này và có một số quan ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 1 điểm phần trăm.

Tamas Varga thuộc công ty môi giới dầu PVM (Vương quốc Anh) cho hay cuộc họp sắp tới của Fed và đồng USD mạnh lên đang gây sức ép lên giá dầu. Khoảng 15 giờ 22 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 11/2022 giảm 1,17 USD (1,3%) xuống 90,18 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 10/2022 giảm 1,14 USD (khoảng 1,3%) xuống 83,97 USD/thùng.

[Giá dầu lao dốc do lo ngại về khả năng nhu cầu năng lượng giảm]

Các hoạt động giao dịch dự kiến sẽ bị hạn chế trong bối cảnh nước Anh tổ chức tang lễ cho Nữ hoàng Elizabeth II.

Giá dầu đã tăng trong năm 2022, trong đó dầu Brent áp sát mức cao kỷ lục 147 USD/thùng hồi tháng 3/2022 sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, gây ra những quan ngại về nguồn cung. Những lo ngại về tăng trưởng kinh tế và nhu cầu suy yếu cũng đã khiến giá giảm thấp hơn.

Đồng USD đã “neo” gần mức cao của 20 năm trước lúc Fed và các ngân hàng trung ương khác công bố quyết định lãi suất trong tuần này. Đồng USD mạnh lên khiến các hàng hóa, được định giá bằng "đồng bạc xanh," trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ đồng tiền khác và thường gây sức ép lên dầu và những tài sản rủi ro khác.

Thị trường dầu cũng đã chịu sức ép từ các dự báo nhu cầu suy yếu, trong đó Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hồi tuần trước dự đoán tăng trưởng nhu cầu trong quý 4/2022 sẽ “đứng yên.”

Các nhà phân tích cho hay việc các biện pháp hạn chế COVID-19 được nới lỏng tại Trung Quốc có thể mang đến sự lạc quan cho các nhà giao dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.