Giá dầu thế giới ít biến động trong phiên 11/7, khi các thị trường cân bằng giữa khả năng nhu cầu giảm do tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc cùng những lo ngại về nguồn cung thắt chặt.
Phiên này, giá dầu Brent giao tháng 9/2022 tăng 8 xu Mỹ (tương đương 0,1%) lên 107,10 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ lại giảm 70 xu Mỹ (0,7%) xuống 104,09 USD/thùng.
Hồi đầu phiên, thị trường đã "náo động" vì thông tin rằng Trung Quốc đã phát hiện ra trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao ở Thượng Hải.
[Giá dầu thế giới phục hồi mạnh sau hai phiên giảm sâu]
Điều này có thể dẫn đến một đợt xét nghiệm hàng loạt khác tại trung tâm tài chính trên, từ đó ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc.
Một yếu tố khác cũng gây áp lực lên giá dầu là đồng USD tăng giá so với rổ các đồng tiền khác và lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2002. Đồng bạc xanh mạnh hơn làm giảm nhu cầu đối với dầu bằng cách khiến “vàng đen” trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.
Mặt khác, các thị trường vẫn còn hoang mang về kế hoạch của các nước phương Tây nhằm giới hạn giá dầu của Nga.
Trước thông tin đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng những biện pháp trừng phạt tăng cường có thể dẫn đến hậu quả "thảm khốc" cho thị trường năng lượng toàn cầu.
Ngân hàng JP Morgan cho biết giới đầu tư đang lo sợ khả năng Nga ngừng cung cấp năng lượng cho phương Tây cũng như triển vọng về một cuộc suy thoái kinh tế.
Trong một nghiên cứu ngắn gửi tới khách hàng, JP Morgan cho hay kịch bản Nga giảm xuất khẩu dầu khoảng 3 triệu thùng mỗi ngày là một mối đe dọa hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu rủi ro này trở thành hiện thực, nó sẽ khiến giá dầu Brent tăng lên khoảng 190 USD/thùng.
Bên cạnh đó, tác động của việc tăng trưởng nhu cầu thấp hơn đáng kể trong các kịch bản xảy ra suy thoái kinh tế sẽ khiến giá dầu Brent trung bình vào khoảng 90 USD/thùng trong một cuộc suy thoái nhẹ và 78 USD/thùng trong một kịch bản nghiêm trọng hơn./.