Giá dầu tại châu Á đi xuống trong phiên sáng đầu tuần 3/6, bất chấp động thái gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng sâu đến năm 2025 của các nhà sản xuất lớn từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác gọi là OPEC+.
Theo đó, giá dầu Brent giao tháng Tám tới đã giảm 24 xu Mỹ (tương đương 0,3%) xuống 80,87 USD/thùng lúc 7 giờ 30 phút sáng (giờ Việt Nam).
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Bảy tới cũng giảm 19 xu Mỹ (0,25%) xuống 76,80 USD/thùng.
OPEC+ hiện đang cắt giảm sản lượng tổng cộng 5,86 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu toàn cầu. Kế hoạch trên bao gồm mức cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày sẽ hết hạn vào cuối năm nay cùng việc cắt giảm tự nguyện của tám thành viên ở mức 2,2 triệu thùng/ngày sẽ hết hạn vào cuối tháng Sáu này.
Ngày 2/6, nhóm này đã đồng ý gia hạn mức cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày thêm một năm cho đến cuối năm 2025. OPEC+ cũng sẽ kéo dài mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày thêm 3 tháng cho đến cuối tháng Chín năm nay.
Các nhà phân tích từ Ngân hàng Goldman Sachs cho biết bất chấp việc gia hạn cắt giảm sản lượng, tâm lý của cuộc họp OPEC+ có vẻ theo hướng giá dầu sẽ giảm. Vì 8 quốc gia OPEC+ đã báo hiệu kế hoạch loại bỏ dần dần mức cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày trong khoảng thời gian một năm. Chính yếu tố này đã tác động đến tâm lý thị trường.
Theo các nhà phân tích, việc đưa ra kế hoạch chi tiết đáng ngạc nhiên về dỡ bỏ các đợt cắt giảm bổ sung khiến việc duy trì sản lượng ở mức thấp trở nên khó khăn hơn, nếu thị trường trở nên yếu hơn kỳ vọng theo hướng giá tăng của OPEC.
Thông báo về việc nới lỏng sản xuất dần dần cũng phản ánh mong muốn mạnh mẽ của một số thành viên về khôi phục sản lượng, chủ yếu nhờ năng lực dự phòng cao của họ./.
Giá dầu thế giới giảm phiên thứ hai liên tiếp trong ngày giao dịch 30/5
Cuối phiên ngày 30/5, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 1,74 USD, tương đương 2,1%, xuống mức 81,86 USD/thùng; giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 1,32 USD, xuống 77,91 USD/thùng.