Giá dịch vụ khám bệnh tăng giá rất mạnh, cao gấp 2-4 lần

Theo mức điều chỉnh mới, cả hai nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị đều có mức tăng giá rất mạnh, cao gấp 2- 4 lần so với giá hiện tại.
Bác sỹ khám bệnh cho trẻ em. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, từ ngày 1/6/2017 các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới cho hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế và một số dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế.

Với việc kết cấu thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế và điều chỉnh chi phí 3 yếu tố trực tiếp, nhiều dịch vụ y tế có mức tăng 2-3 lần giá cũ và sẽ do người bệnh trả 100%.

[Từ 1/6, áp dụng giá viện phí mới cho người không có bảo hiểm y tế]

Xung quanh vấn đề này, ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban, phụ trách Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) đã có cuộc trao đổi với báo giới để làm rõ hơn việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ tác động đến người bệnh ra sao.

Điều chỉnh khung giá tối đa

- Thưa ông, việc tăng giá dịch vụ y tế trong Thông tư 02 có tác động như thế nào đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế?

Ông Lê Văn Phúc: Theo Thông tư 02 của Bộ Y tế, có 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ bảo hiểm y tế được điều chỉnh khung giá tối đa. Bao gồm: giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khoẻ; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện.

Trong ba nhóm dịch vụ này, cả hai nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị đều có mức tăng giá rất mạnh, cao gấp 2- 4 lần so với giá hiện tại.

Cụ thể, tiền khám bệnh đã tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở bệnh viện hạng 1 và hạng 2.

Theo quy định mới, tiền khám tối đa ở bệnh viện hạng đặc biệt và bệnh viện hạng 1 là 39.000 đồng/lượt; hạng 2 là 35.000 đồng/lượt; hạng 3 là 31.000 đồng/lượt và bệnh viện hạng 4/phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã là 29.000 đồng/lượt.

Giá tối đa dịch vụ ngày điều trị hồi sức tích cực tại bệnh viện hạng đặc biệt cũng tăng gấp đôi lên 677.100 đồng; bệnh viện hạng 1 là 632.200 đồng; bệnh viện hạng 2 là 568.900 đồng. 

Đối với ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu, chống độc, các mức tương ứng là: 362.800 đồng/ngày, 335.900 đồng/ngày, 279.100 đồng/ngày; tại BV hạng 3 là 245.700 đồng/ngày và bệnh viện hạng 4 là 226.000 đồng/ngày...

Giá dịch vụ xét nghiệm tác động mạnh nhất

- Theo ông, giá dịch vụ nào tác động mạnh nhất đến người bệnh không có thẻ bảo hiểm y tế?

Ông Lê Văn Phúc: Mức tăng này là rất đáng kể khi người bệnh phải điều trị nội trú, điều trị dài ngày. Tuy nhiên, tác động mạnh nhất đến người bệnh chưa có thẻ bảo hiểm y tế phải là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện bất kể người bệnh điều trị ngoại trú hay nội trú, điều trị ít ngày hay dài ngày.

Với 1.916 dịch vụ được điều chỉnh tăng giá trong Thông tư này, mặc dù mức điều chỉnh mức tăng chủ yếu ở khoảng số 20- 30%, một số ít có mức tăng gấp đôi so với mức giá hiện hành, nhưng số tiền tuyệt đối của nhiều dịch vụ lên tới hàng trăm nghìn; thậm chí, đến cả triệu đồng cho một lần chỉ định, do đơn giá dịch vụ kỹ thuật vốn đã có kết cấu chi phí cao.

- Ông có thể dẫn chứng một vài ví dụ cụ thể để người bệnh hiểu rõ hơn sự tăng giá?

Ông Lê Văn Phúc: Ví dụ như chụp X quang động mạch vành hoặc thông tim, chụp buồng tim dưới DSA tăng từ 5,1 triệu đồng lên gần 5,8 triệu đồng; chụp và can thiệp tim mạch dưới DSA từ 6 triệu lên gần 6,7 triệu đồng; nội soi ổ bụng từ 575.000 đồng tăng lên 793.000 đồng, nội soi thực quản-dạ dày-tá tràng có sinh thiết tăng từ 220.000 đồng lên 385.000 đồng...

Theo Thông tư 02, chỉ có nhóm giá khám bệnh, ngày giường điều trị là khác nhau theo hạng bệnh viện, còn lại các các dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm đều thực hiện thống nhất một mức giá tại tất cả các bệnh viện trên toàn quốc.

Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc cũng đang thực hiện theo nguyên tắc này.

Điều khác nhau cơ bản giữa người có thẻ bảo hiểm y tế và không có thẻ bảo hiểm y tế là bệnh nhân bảo hiểm y tế đã được quỹ bảo hiểm y tế chi trả từ 80 đến 100% chi phí, tùy theo từng đối tượng thụ hưởng. Còn bệnh nhân khám dịch vụ sẽ phải chi trả 100% toàn bộ chi phí khám chữa bệnh.

Như vậy, khoản tiền người khám chữa bệnh không có bảo hiểm y tế phải trả thêm so với mức giá hiện hành sẽ là con số không nhỏ.

Đặc biệt, những bệnh nhân cần sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, thì mức chi 100% từ tiền túi rất lớn, ví dụ như chụp PET/CT chi phí tối đa đã lên tới hơn 20 triệu đồng; chi phí PET/CT mô phỏng xạ trị gần 21 triệu đồng...

Lê Văn Phúc - Phó trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

"Chế tài mềm" thúc đẩy mua bảo hiểm y tế

- Với tác động lớn đến người dân khám chữa bệnh không có bảo hiểm y tế, theo ông, căn cứ để xây dựng mức tăng giá dịch vụ y tế này đã thỏa đáng?

Ông Lê Văn Phúc: Thực tế thì lộ trình tăng giá này đã có độ “trễ” rất nhiều theo Luật bảo hiểm y tế, bởi sau 1 năm giá dịch vụ y tế dành cho khoảng gần 20% dân số chưa có thẻ bảo hiểm y tế này mới đuổi kịp giá của những người đang khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Hiện nay, người chưa tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh vẫn đang trả mức giá thấp hơn nhóm dân số có thẻ bảo hiểm y tế, bởi giá dịch vụ y tế dành cho người chưa có thẻ bảo hiểm y tế chỉ mới kết cấu 3 yếu tố chi phí trực tiếp: Chi phí thuốc, dịch truyền, hoá chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế phục vụ khám chữa bệnh; chi phí về điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; Chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ…

Tại sao lại có độ trễ về thời gian cho nhóm đối tượng này? Đó là vì Chính phủ muốn tạo thời gian chuyển tiếp cần thiết cho những người chưa tham gia bảo hiểm y tế thực hiện trách nhiệm của mình trong chủ trương bảo hiểm y tế toàn dân.

Giá dịch vụ y tế hiện nay dù được điều chỉnh thì cũng mới kết cấu 4/7 yếu tố chi phí. Lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế vẫn đang được thực hiện, giá dịch vụ y tế sẽ còn tiếp tục tăng theo lộ trình.

Song song với việc thay đổi cơ chế tài chính y tế, Chính phủ sẽ chuyển sang đầu tư trực tiếp cho người dân thông qua hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế thay vì rót ngân sách vào các bệnh viện.

Để đảm bảo quyền lợi về tài chính của mình trong chăm sóc sức khỏe, người dân cần và nên tham gia bảo hiểm y tế. Đó cũng là quy định của Luật bảo hiểm y tế đã có hiệu lực từ hơn 2 năm nay.

- Vậy theo ông, việc tăng giá dịch vụ y tế lần này có là một “chế tài mềm” để tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế?

Ông Lê Văn Phúc: Như tôi đã nói, với Thông tư 02, chúng ta sẽ tạo sự công bằng hơn trong việc thực hiện chính sách chung khi giá dịch vụ y tế tương đương nhau khi cung cấp cho cả người có thẻ bảo hiểm y tế và không có thẻ bảo hiểm y tế. 

Việc tăng giá chắc chắn có tác động đến ý thức tham gia bảo hiểm y tế của người dân, càng rõ hơn tầm quan trọng và ý nghĩa của bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, chúng ta không nên và không thể trông chờ việc tăng giá dịch vụ y tế là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy tham gia bảo hiểm y tế của người dân. Đúng là việc tăng giá dịch vụ y tế chính là một “chế tài mềm,” hiệu quả của chế tài này sẽ phát huy tốt khi chúng ta tính đủ 7/7 yếu tố chi phí vào giá dịch vụ y tế. Tuy nhiên chủ trương này sẽ phải thực hiện theo lộ trình.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục