Giá khí đốt tại khu vực thị trường châu Âu chưa thể giảm tốc

Kết quả đấu giá khí đốt cho thấy nhà xuất khẩu khí đốt Gazprom của Nga đã không đăng ký vận chuyển xuất khẩu qua đường ống Yamal-châu Âu trong ngày 27/12.
Giá khí đốt tại khu vực thị trường châu Âu chưa thể giảm tốc ảnh 1Đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) tại Lubmin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá nhiên liệu đang tăng cao trong bối cảnh những tranh cãi kéo dài xung quanh dự án Dòng chảy phương Bắc 2 - đường ống dẫn khí đốt đã được hoàn tất nhưng vẫn chưa bắt đầu hoạt động thương mại để cung cấp khí đốt của Nga.

Trong khi đó, theo dữ liệu của nhà khai thác Gascade, ngày 27/12, đường ống dẫn khí Yamal của châu Âu - vốn dẫn khí đốt từ Nga đến Tây Âu, tiếp tục bơm nhiên liệu từ Đức sang Ba Lan. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp đường ống này đổi hướng dòng chảy.

Dữ liệu cho thấy trong sáng 27/12, dòng chảy tại trạm Mallnow trên biên giới Đức-Ba Lan đang hướng về phía Đông vào Ba Lan với công suất gần 1,2 triệu KWh/giờ. Kết quả đấu giá khí đốt cho thấy nhà xuất khẩu khí đốt Gazprom của Nga đã không đăng ký vận chuyển khí đốt xuất khẩu qua đường ống Yamal-châu Âu trong ngày 27/12.

Gascade thuộc sở hữu của WIGA, một liên doanh giữa Gazprom và công ty dầu khí Wintershall DEA. Công ty Wintershall DEA do tập đoàn hóa chất BASF (Đức) và tập đoàn LetterOne (Nga) đồng sở hữu. Gascade mua khí đốt Nga và cung cấp trong phạm vi nước Đức.

[Giá khí đốt ở châu Âu lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.190 USD trên 1.000m3]

Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Đức đã bán lại khí đốt của Nga cho Ba Lan và Ukraine chứ không phải là để giải tỏa thị trường đang quá nóng. Ông cũng khẳng định việc triển khai xuất khẩu khí đốt thông qua Dòng chảy phương Bắc 2 chạy qua Biển Baltic sẽ dẫn đến giảm giá khí đốt ở châu Âu.

Bộ Kinh tế Đức từ chối bình luận về nhận định trên. Trong khi đó, Mỹ và một số quốc gia Đông Âu không ủng hộ dự án Dòng chảy phương Bắc 2, cho rằng dự án sẽ khiến Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc hơn nữa vào khí đốt của Nga - quốc gia vốn đã cung cấp 35% nhu cầu khí đốt của EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.