Tỉnh Gia Lai đang phấn đấu đến năm 2020 xây dựng cánh đồng lớn 18.000ha cho năm đối tượng cây trồng chính gồm càphê (3.700ha), mía (5.000ha), sắn (5.000ha), lúa nước (3.700ha) và hồ tiêu (500ha).
Để đạt mục tiêu trên, một trong những giải pháp hàng đầu và mang tính quyết định là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong nông dân và nhất là trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tư duy; đồng thời mạnh dạn phá bỏ "bờ vùng bờ thửa" để xây dựng cánh đồng lớn nhằm tiến tới đảm bảo các mối liên kết bền vững, hài hòa và công bằng về lợi ích.
Tỉnh cũng thực hiện tốt công tác quy hoạch trên cơ sở rà soát thật cụ thể và khoa học gắn liền với yếu tố khách quan về tự nhiên, xã hội và đặc biệt là cơ chế thị trường; cũng như đặt công tác quy hoạch trong mối tương quan về tổ chức sản xuất, nhất là tiềm lực của doanh nghiệp, hợp tác xã... ở từng địa bàn.
Bên cạnh đó, công tác đầu tư thâm canh cho các cánh đồng lớn của các loại cây trồng cũng được coi trọng đảm bảo tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là về hệ thống giao thông nông thôn. Ngoài ra, tỉnh xây dựng và thực hiện các quy trình sản xuất tốt, sản xuất theo chứng chỉ và xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng và tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai thực hiện xây dựng cánh đồng lớn được hơn 1.000ha mía và hàng trăm hecta lúa nước sử dụng "một giống" và đều đạt kết quả tốt, năng suất cao và chất lượng sản phẩm tốt. Ở các cánh đồng lớn về cây mía có năng suất tăng gấp rưỡi và thậm chí tăng gấp đôi so với cách làm ăn nhỏ lẻ theo lối truyền thống.
Cụ thể trước đây, bình quân đạt khoảng 60 tấn mía cây/ha nay đã tăng lên hơn 100 tấn, có những chân ruộng mía tốt đạt đến 120 tấn. Còn ở các chân ruộng lúa nước "một giống" cũng đạt năng suất cao hơn hẳn so với trước, như ở huyện Phú Thiện có 600ha thực hiện cánh đồng lúa "một giống" ở một số xã có điều kiện, trên các cánh đồng này không chỉ tăng năng suất mà còn giảm nhiều chi phí về giống cũng như lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, người nông dân tăng thêm lợi nhuận trên mỗi hecta lúa khoảng 2,5 triệu đồng so với phương pháp gieo sạ đại trà.
Theo ông Văn Phú Bộ, Phó Chi cục trưởng Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai, mặc dù trong những năm qua, tỉnh cũng đã đạt được một số kết quả nhất định về xây dựng cánh đồng lớn song chưa nhiều và chưa như mong muốn. Gia Lai có những đặc thù của một tỉnh miền núi với những khó khăn về địa hình đồng đất dốc, phân cách, cơ sở hạ tầng nông nghiệp còn yếu kém. Ngoài ra, người sản xuất ở các vùng nông thôn và nhất là trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn mang nặng tính "tiểu nông", manh mún, quảng canh...
Tuy nhiên, với những giải pháp đã được đặt ra và triển khai thực hiện quyết liệt với cả hệ thống chính trị vào cuộc thì việc xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn sẽ được thuận lợi hơn, diện tích cánh đồng lớn, cánh đồng "một giống" chắc chắc sẽ còn mở rộng và đạt kết quả tốt hơn./.