Giá thực phẩm tại Anh có thể tăng mạnh nhất trong hơn 20 năm

Theo báo cáo, ngành thực phẩm và hàng tiêu dùng của Anh đặc biệt chịu tác động trước những sức ép hiện nay do sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu thực phẩm và tác động của Brexit.
Giá thực phẩm tại Anh có thể tăng mạnh nhất trong hơn 20 năm ảnh 1Người dân đi mua sắm tại một siêu thị ở Anh. (Nguồn: Getty Images)

Theo báo cáo của Grocery trade body IGD nhận định, giá thực phẩm tại Vương quốc Anh có thể tăng 15% trong mùa Hè này, mức tăng mạnh nhất trong hơn 20 năm, khi lạm phát kéo dài đến giữa năm tới.

IGD cảnh báo giá thịt, ngũ cốc, bơ sữa, hoa quả và rau có thể chịu tác động mạnh nhất khi xung đột tại Ukraine kết hợp với các biện pháp phong tỏa tại Trung Quốc và lệnh cấm xuất khẩu các thực phẩm thiết yếu như dầu cọ của Indonesia và lúa mỳ của Ấn Độ.

Các sản phẩm phụ thuộc vào lúa mỳ như thịt gà, thịt lợn và bánh mỳ có thể tăng giá nhanh nhất khi hoạt động sản xuất và xuất khẩu tại Ukraine, nước sản xuất lớn về ngũ cốc, gặp trở ngại cùng với các biện pháp trừng phạt Nga, nước sản xuất chủ chốt khác.

Báo cáo đưa ra nhận định lạm phát sẽ kéo dài đến ít nhất là mùa Hè tới, nhưng có thể kéo dài lâu hơn, do một loạt yếu tố như có thêm các nước sản xuất nông nghiệp chủ chốt khác áp đặt lệnh cấm xuất khẩu, sự gián đoạn hoạt động thương mại liên quan đến Brexit, tình hình thời tiết ở Bắc Bán cầu không thuận lợi hoặc đồng bảng yếu hơn.

[Kinh tế Anh giảm tháng thứ hai liên tiếp làm dấy lên nỗi lo suy thoái]

Theo báo cáo, ngành thực phẩm và hàng tiêu dùng của Anh đặc biệt chịu tác động trước những sức ép hiện nay do sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu thực phẩm và tác động của Brexit.

Các thủ tục bổ sung tại biên giới với Liên minh châu Âu và các thay đổi quy định khác đang gây thêm chi phí, trong khi tình trạng thiếu lao động dẫn tới lương tăng.

Nhà kinh tế trưởng của IGD, James Walton, cho biết nghiên cứu của công ty này cho thấy nếu hóa đơn thực phẩm tăng 10,9% một năm, một gia đình bốn người sẽ phải chi thêm gần 516 bảng (627 USD).

IGD cho rằng người tiêu dùng sẽ vẫn lo ngại trong tương lai gần khi lạm phát tăng và thu nhập thực tế giảm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.