“Chỉ số giá trị gia tăng của kinh tế biển chia cho chiều dài bờ biển của Việt Nam hiện mới chỉ ước đạt khoảng 3,6 triệu USD/km (tương đương khoảng hơn 80 tỷ đồng/km) so với mức bình quân của thế giới đạt khoảng 4 triệu USD/km bờ biển.”
Con số trên vừa được đại diện lãnh đạo Viện Chiến lược phát triển-Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong khuôn khổ Hội thảo về “Chính sách đại dương: Kinh nghiệm của Nhật Bản,” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, ngày 5/9, tại Hà Nội.
Thông tin thêm tại sự kiện, đại diện Viện Chiến lược phát triển cho biết, sau 10 năm thực hiện Chiến lược biển (từ năm 2007), kinh tế biển và ven biển Việt Nam đã thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế ở nhiều địa phương có biển.
Trong những năm qua, tổng sản phẩm của 28 tỉnh, thành phố ven biển tăng bình quân 7,5%/năm (cả nước tăng 6%/năm). Riêng năm 2017, tổng sản phẩm của các tỉnh, thành phố ven biển chiếm 60,5% GDP cả nước; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt xấp xỉ 65 triệu đồng (cả nước đạt 53,3 triệu đồng).
Mặc dù chỉ số giá trị gia tăng của kinh tế biển trong một thập kỷ qua có tăng, song theo nhận định của Viện Chiến lược phát triển, thì để Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển vẫn còn khoảng cách khá dài.
[Thúc đẩy hợp tác Việt-Nhật trong lĩnh vực kinh tế, khoa học biển]
Báo cáo của Viện Chiến lược phát triển cho thấy, tăng trưởng kinh tế biển tuy khá cao nhưng mới bằng nhịp tăng trưởng chung của nền kinh tế, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế có biển và tạo điều kiện để nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về kinh tế biển.
Bên cạnh đó, hiệu quả tổng hợp, tính bền vững trong khai thác sử dụng điều kiện tiềm năng, nguồn lực từ biển còn thấp. Kết cấu hạ tầng kinh tế biển vẫn còn thiếu đồng bộ, đặc biệt còn thiếu cơ sở hạ tầng lớn; xuất phát điểm về khoa học-công nghệ liên quan đến biển, chất lượng nguồn nhân lực kinh tế biển còn hạn chế…
Bởi thế, để Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về kinh tế biển, Viện Chiến lược phát triển kiến nghị cần xác định rõ phát triển khu vực kinh tế biển là một hướng đột phá trong giai đoạn trước mắt và căn bản lâu dài; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ quản lý và phát triển kinh tế biển.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện môi trường pháp luật liên quan đến biển; đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế biển; tăng cường các hoạt động đối ngoại, tạo môi trường thuận lợi cho ngư dân và các thành phần kinh tế khai thác, sản xuất trên biển../.