Giá vàng tại thị trường châu Á đi xuống trong phiên giao dịch ngày 5/6 và hướng tới tuần giảm thứ ba liên tiếp, trước khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 5/2020, giữa bối cảnh những kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế trên toàn cầu đã thúc đẩy sự quan tâm tới các tài sản rủi ro cao như cổ phiếu.
Kết thúc phiên này, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay giảm 0,2%, xuống 1.708,07 USD/ounce.Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn mất 0,9%, xuống 1.711,80 USD/ounce.
Giá kim loại quý này đã giảm khoảng 1% trong tuần này, hướng tới tuần giảm giá mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 1/5. Tuy nhiên, giá vàng giao ngay vẫn chỉ thấp hơn 3% so với mức cao nhất bảy năm ghi nhận hồi tháng trước, sau khi các ngân hàng trung ương thế giới công bố một loạt các biện pháp kích thích kinh tế nhằm đối phó với những tác động của đại dịch COVID-19.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo việc làm tháng Năm của Mỹ, dự kiến sẽ được công bố vào 12 giờ 30 phút giờ GMT cùng ngày.
Theo khảo sát của Reuters, số việc làm mà nền kinh tế Mỹ mới tạo ra trong tháng trước sẽ giảm 8 triệu việc làm sau khi chứng kiến mức sụt giảm kỷ lục 20,537 triệu việc làm trong tháng 4/2020.
Dữ liệu này được công bố trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành cuộc họp kéo dài hai ngày vào tuần tới. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ngày 4/6 cũng vừa thông qua đề xuất tăng quy mô mua trải phiếu thêm 600 tỷ euro.
Thông thường, việc tung ra nhiều gói kích thích kinh tế và lãi suất thấp sẽ có lợi cho giá vàng, vốn được coi là một “hàng rào” chống lại lạm phát và hạ giá tiền tệ. Tuy nhiên, những chương trình kích thích của nhiều ngân hàng trung ương lớn nhằm “xoa dịu” những tổn thương kinh tế do dịch COVID-19 đang khiến các kênh đầu tư rủi ro trở nên hấp dẫn hơn, qua đó hạn chế nhu cầu mua vào các tài sản an toàn.
Cũng trong phiên này, giá palladium tăng 0,5%, lên 1.942,46 USD/ounce. Giá bạch kim tiến 0,2%, lên 838,49 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạc lại hạ 0,2%, xuống 17,69 USD/ounce, đồng thời hướng tới tuần giảm giá đầu tiên trong 5 tuần qua.
[Hồi phục phiên cuối tuần, vàng SJC giao dịch quanh 48,80 triệu đồng]
Giá dầu châu Á tăng trong phiên giao dịch chiều 5/6 do giới kinh doanh chờ đợi tín hiệu từ cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+ có thể diễn ra ngay cuối tuần này.
Vào chiều 5/6 giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 27 xu Mỹ (0,7%) lên 40,26 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 17 xu Mỹ (0,5%) lên 37,58 USD/thùng.
Kênh truyền hình Ennahar của Algeria đưa tin OPEC+ sẽ nhóm họp vào thứ Bảy (6/6) để thảo luận về việc có duy trì các mức cắt giảm sản lượng kỷ lục hay không.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp tại trung tâm OANDA, cho biết giá dầu đang hướng tới đợt tăng sáu tuần liên tiếp, nhưng đà tăng có phần hạn chế khi nhà đầu tư quan tâm tới cam kết cắt giảm sản lượng của Iraq. Chuyên gia Moya cũng nhận định rằng OPEC+ có thể kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng thêm ba tháng nữa.
Trong khi đó, số liệu từ Chính phủ Mỹ ngày 4/6 cho thấy lượng nhiên liệu dự trữ của nước này đã tăng mạnh, giữa lúc nhu cầu vẫn yếu do dịch COVID-19./.