Giải bài toán thất thu thuế ngân sách do buôn lậu thuốc lá

Việc thiếu quản lý đối với các sản phẩm thuốc lá nói chung, và thuốc lá không khói nói riêng, sẽ càng làm tăng tỷ lệ buôn lậu mà trong đó thiệt hại lớn nhất chính là thất thu thuế.
Giải bài toán thất thu thuế ngân sách do buôn lậu thuốc lá ảnh 1Tang vật trong một vụ buôn lậu thuốc lá điếu.

Năm 2020, một tỉnh có quy mô kinh tế trung bình như Phú Yên đặt chỉ tiêu thu 9.000 tỷ đồng ngân sách nhưng con số thực đạt cuối năm chỉ khoảng 5.200 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo số liệu ghi nhận, riêng tình trạng buôn lậu thuốc lá điếu và các sản phẩm thuốc lá không khói đã khiến Việt Nam thất thoát ít nhất 8.500 tỷ đồng mỗi năm.

Những đề xuất đi ngược xu hướng, chủ trương

Chỉ trong vòng hai năm, từ 2019 đến nay, Chính phủ đã 3 lần yêu cầu các các cơ quan liên ngành khẩn trương nghiên cứu biện pháp quản lý các sản phẩm thuốc lá không khói gồm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử.

Đặc biệt, qua hai Công văn số 4861 và Công văn số 8750 chính phủ cũng đã nêu rõ việc quản lý các sản phẩm thuốc lá không khói là góp phần tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá.

Trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang trong quá trình triển khai các bước để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thì một số tổ chức chống thuốc lá trên thế giới (có phạm vi hoạt động tại Việt Nam) lại đưa ra những đề xuất khác với xu hướng này, thậm chí đi ngược lại.

Nhiều năm qua, các tổ chức chống thuốc lá trên thế giới, điển  hình là HealthBridge Canada, Campaign for Tobacco-Free Kids (CFTK), The Union luôn tăng cường các hoạt động can thiệp vào chính sách quản lý nhà nước nhằm bài trừ mọi hình thái thuốc lá, không dựa trên kêu gọi quản lý của chính phủ, hay các nghiên cứu thế giới, ý kiến của cộng đồng khoa học, cũng như chưa xem xét thấu đáo thực tế xã hội ở mỗi quốc gia khác nhau.

Với ngành hàng thuốc lá, Việt Nam vẫn đang là quốc gia có nhu cầu tiêu thụ thuốc lá cao và tình trạng buôn lậu thuốc lá chưa khi nào hạ nhiệt. Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, thuốc lá nhập lậu có năm chiếm tới 25% trên thị trường, làm thất thu ngân sách Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm và nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người dùng.

Những thông tin chưa đầy đủ về các sản phẩm thuốc lá không khói, trong đó có thuốc lá làm nóng, được đưa ra bởi một số tổ chức chống thuốc lá đang gây nhầm lẫn giữa thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử.

[70% các nước thương mại hóa thuốc lá làm nóng tham gia Công ước FCTC]

Thực tế đến nay, chưa có bất kỳ doanh nghiệp thuốc lá nào được phép thương mại những loại sản phẩm này, chúng mới chỉ tồn tại trôi nổi trên thị trường. Bởi vậy, việc quy kết trách nhiệm cho các công ty thuốc lá chính danh để kêu gọi các chiến lược cấm đoán cực đoan là không có cơ sở.

Tình trạng này cũng xảy ở nhiều quốc gia khác, thậm chí như với Mexico, người tham gia soạn thảo luật lại là thành viên của tổ chức phòng chống thuốc lá Campaign for Tobacco-Free Kids, nguy cơ chính sách được soạn thảo không thể đảm bảo tính minh bạch, công bằng và phù hợp mục tiêu quốc gia. Hơn nữa, cách tiếp cận theo hướng bài trừ cứng nhắc có thể đưa đến hệ quả “phí chồng phí” trong phòng chống tác hại thuốc lá.

Ngân sách đang thất thu 8.500 tỷ đồng/năm

Trong một tọa đàm về “Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới” được tổ chức tháng 11/2020, bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng Xây dựng pháp luật, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, không nên có tư duy "không quản được thì cấm" nhất là trong bối cảnh chính sách Việt Nam đang mở cửa, ủng hộ các xu hướng phát triển công nghệ, cho nên cần có cách ứng xử phù hợp đối với mặt hàng áp dụng công nghệ và cải tiến chất lượng trên cơ sở tham khảo quy định của các nước phát triển.

Ngoài ra, nếu không xem xét thấu đáo khi quyết định cấm hay không, có thể đẩy người tiêu dùng về phía hàng lậu và gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước.

Thống kê chưa đầy đủ của Tổng Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy từ năm 2019 đến nay, tổng số vụ kiểm tra là 2.428 vụ, trong đó xử lý 1.976 vụ, tịch thu số lượng 646.450 bao thuốc lá, phạt hành chính số tiền 8,63 tỷ đồng, hàng hoá vi phạm trị giá 61 tỷ đồng, chuyển xử lý hình sự 16 vụ. Những đường dây nhập lậu thuốc lá điếu, thuốc lá không khói liên tục được phát hiện tại các thành phố lớn trên cả nước, từ đường bộ, đường thủy cho đến hàng không.

Những số liệu trên có thể cho thấy thiếu quản lý đối với các sản phẩm thuốc lá nói chung, và thuốc lá không khói nói riêng, sẽ càng làm tăng tỷ lệ buôn lậu mà trong đó thiệt hại lớn nhất chính là thất thu thuế, trong khi lại phải chi ra con số hàng tỷ đồng để tiêu hủy các nguồn hàng lậu.

Vì vậy, việc xây dựng chính sách quản lý các sản phẩm thuốc lá không khói trong đó có thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, cần được xem xét dựa trên cơ sở khoa học, thực tiễn, và độc lập, tránh sự chi phối cực đoan phiến diện của bất kỳ tổ chức nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục