Cơ chế chính sách và giải pháp về nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị và khu công nghiệp là nội dung của hội thảo do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức ngày 5/11, tại Hà Nội.
Theo thông tin từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay, mới chỉ có khoảng 20% công nhân lao động có chỗ ở ổn định, 80% công nhân trong các khu công nghiệp đang phải thuê nhà trọ, chỗ ở tạm bợ (diện tích sử dụng bình quân từ 2-3m2/người). Các khu nhà trọ hầu hết thiếu ánh sáng, ẩm thấp, chật chội, không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống công nhân, không đảm bảo việc tái sản xuất sức lao động.
Bên cạnh đó, với mức thu nhập thấp và điều kiện nhà ở khó khăn, công nhân lao động rất thiếu cơ hội, điều kiện thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí, thể thao, nghỉ ngơi, học tập... dẫn đến tình trạng "nhảy việc," các doanh nghiêp thiếu lao động, công nhân mất việc diễn ra thường xuyên.
Ông Vũ Hồng Quang, Phó trưởng ban Chính sách kinh tế xã hội và Thi đua khen thưởng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết hầu hết các địa phương đã có quy hoạch và chương trình phát triển nhà ở nói chung, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân, nhưng triển khai thực hiện còn rất hạn chế.
Giai đoạn 2010-2015, các địa phương đã đăng ký hơn 110 dự án xây dựng nhà ở cho công nhân nhằm đáp ứng chỗ ở cho hơn 960.000 người tuy nhiên các dự án hoàn thành rất ít, trong khi nhu cầu về chỗ ở của công nhân lao động ngày càng tăng.
Việc phát triển các khu công nghiệp hiện nay chủ yếu vẫn chỉ tập trung vào việc xây dựng các cơ sở sản xuất kinh doanh, mà chưa chú ý đến việc xây dựng nhà ở và các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu như nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, khu vui chơi giải trí... do đó nhiều người lao động vẫn phải ăn ở trong điều kiện tạm bợ, nhếch nhác. Theo thống kê trên cả nước, trung bình chỉ có một doanh nghiệp/địa phương tự xây dựng hoặc đi thuê nhà cho công nhân.
Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Tuy nhiên đến nay, những chính sách này cũng đã bộc lộ những bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với những yêu cầu của thực tiễn. Chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội chưa tập trung vào lĩnh vực nhà ở xã hội cho thuê và thuê mua một cách rõ rệt đã phần nào không giải quyết được mục tiêu tạo chỗ ở cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất và người thu nhập thấp tại đô thị... Việc triển khai gói 30.000 tỷ đồng có nhiều vấn đề vướng mắc, thủ tục phiền hà dẫn đến tốc độ giải ngân chậm, chưa phát huy tác dụng như mong muốn.
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng đánh giá quá trình triển khai nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân lao động còn nhiều vấn đề vướng mắc như các thủ tục quy trình được cấp phép nhà ở xã hội còn rất phức tạp, kéo dài, lợi nhuận lại không cao, nhà đầu tư mất tính tự chủ nên chưa hấp dẫn các nhà đầu tư, tỷ trọng nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư còn rất ít. Nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị dự báo đến năm 2020 là 1 triệu căn trong khi hiện nay chỉ mới đáp ứng được hơn 10.000 căn/năm.
Kiến nghị giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân lao động, người thu nhập thấp, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho rằng cần tập trung hơn nữa nguồn vốn, quỹ đất và ưu tiên các cơ chế chính sách làm nhà ở giá rẻ để cho thuê. Đối với công nhân khu công nghiệp, ưu tiên cho nhà ở chung cư, tập thể cho thuê; đối với việc phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị cần có chính sách khuyến khích tối đa cho các nhà đầu tư.
Ngoài ra, nhà ở thương mại giá rẻ để cho thuê, mua trả góp cũng cần được chú trọng phát triển, trong đó, Nhà nước chỉ quản lý quy hoạch, để thị trường cạnh tranh về giá cả.
Đối với loại hình nhà trọ của gia đình, cá nhân đầu tư cho thuê ở nhiều thành phố hiện đang chiếm đến 70-80% chỗ ở cho công nhân, người lao động, cần có cơ chế ưu đãi phù hợp bên cạnh việc quy định cụ thể các tiêu chí bắt buộc về diện tích, tiện nghi, an toàn, môi trường và giá thành đảm bảo yêu cầu tối thiểu chỗ ở cho người lao động.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng các nội dung ưu đãi và thủ tục hưởng ưu đãi của Nhà nước cần rõ ràng, cụ thể, đơn giản, dễ thực hiện và hướng trực tiếp vào đối tượng thụ hưởng là công nhân lao động và người có thu nhập thấp tại đô thị. Chính phủ cần xem xét ban hành chính sách, quy định bắt buộc các chủ doanh nghiệp sử dụng lao động phải có trách nhiệm dành một tỷ lệ vốn tham gia giải quyết nhà ở cho người lao động thông qua việc đóng góp tài chính hoặc tự xây nhà ở cho người lao động thuê, mua.
Các địa phương cần rà soát lại quy hoạch, dành và tạo quỹ đất sạch để thu hút doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân lao động, hỗ trợ cơ sở hạ tầng như nhà trẻ, mẫu giáo, khu văn hóa, thể thao.../.