Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 28/5, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Giải quyết những vấn đề bức thiết của người dân tộc thiểu số
Theo báo cáo, Chương trình sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển nhanh, bền vững; tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ hơn một số vấn đề đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chương trình sẽ đạt được đa mục tiêu về kinh tế-xã hội; quốc phòng-an ninh; đối ngoại; bảo vệ môi trường, sinh thái và đa dạng sinh học; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; là yếu tố đặc biệt quan trọng để củng cố và nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước; tăng cường đồng thuận xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
[Trình Quốc hội chương trình phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số]
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, tạo sinh kế giải quyết những vấn đề bức thiết của nhóm dân tộc rất ít người và dân tộc còn nhiều khó khăn đối với hơn 16.100 hộ; hỗ trợ tạo mô hình sinh kế, ổn định đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở 382 xã biên giới đất liền; góp phần tăng thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số trên 2 lần so với 2020.
Chương trình góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hàng năm trên 3%; phấn đấu giảm trên 60% số xã, thôn đặc biệt khó khăn so với tiêu chí năm 2020...
Định hướng mục tiêu đến năm 2030, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%.
Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới...
Cần cơ chế phân bố nguồn vốn hợp lý, tránh tản mác
Chính phủ đã dự kiến tổng mức vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 là hơn 137.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là hơn 134.000 tỷ đồng.
Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư của Chương trình rất lớn, ước tính gần 272.000 tỷ đồng, trong khi khả năng cân đối ngân sách nhà nước trước mắt chưa thể đáp ứng, nên khi thiết kế dự án khả thi của chương trình, các đại biểu đề nghị, nên ưu tiên hỗ trợ sinh kế, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số; đầu tư công trình kết cấu hạ tầng thật sự cần thiết, cấp bách và chưa đầu tư hoặc đang đầu tư dở dang. Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt bảo đảm đời sống đồng bào một cách bền vững.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc ban hành Chương trình cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi có thời hạn 10 năm nhằm khắc phục tư duy nhiệm kỳ, ngắn hạn.
Nguồn vốn mà Chính phủ đề xuất không lớn, nhưng những mục tiêu đề ra lại khá lớn, nhiều và tản mác. Do vậy, các đại biểu kiến nghị cần phải tính toán, nghiên cứu kỹ lại nội dung này để đảm bảo được tính khả thi nếu không huy lực các nguồn lực xã hội khác cùng thực hiện.
Khi quy định về các mục tiêu trong Chương trình cần chú ý đến đặc thù dân tộc, nhất là vấn đề bảo tồn văn hóa ngàn đời của vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội Đỗ Văn Chiến cho biết chương trình được thiết kế thành 10 dự án.
Ở giai đoạn lập dự án khả thi, Chính phủ sẽ phân công các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện từng dự án cụ thể, trên cơ sở phát huy và đề cao trách nhiệm của cơ quan công tác dân tộc các cấp./.