Giảm tình trạng lao động Việt tại Hàn cư trú bất hợp pháp

Lãnh đạo Trung tâm Lao động ngoài nước đã trao đổi về giải pháp giảm số lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng, ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Giảm tình trạng lao động Việt tại Hàn cư trú bất hợp pháp ảnh 1Lao động khám sức khỏe trước khi lên máy bay sang Hàn Quốc. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Sau 6 tháng thực hiện "Biên bản ghi nhớ đặc biệt về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam" trong khuôn khổ Chương trình cấp phép việc làm cho lao động xuất khẩu của Hàn Quốc (Chương trình EPS) được ký kết ngày 31/12/2013, đến nay tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc đã bước đầu có sự chuyển biến.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lương Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) về những giải pháp để tiếp tục giảm số lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

- Xin ông cho biết, từ đầu năm đến nay có bao nhiêu lao động Việt Nam được quay trở lại làm việc tại Hàn Quốc ?

Phó giám đốc Lương Đức Long: Sau khi Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội và Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc ký "Biên bản ghi nhớ đặc biệt về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam" trong khuôn khổ Chương trình EPS, đến nay, số lao động Việt Nam được các chủ doanh nghiệp Hàn Quốc ký hợp đồng lao động lên tới 5.000 người, trong đó, lao động mới đạt yêu cầu qua các kỳ thi tiếng Hàn là 3.570 người; lao động về nước đúng hạn sau khi hết hạn hợp đồng, đạt yêu cầu qua các kỳ thi tiếng Hàn được chủ lao động sử dụng lao động Hàn quốc lựa chọn là 1.450 người.

Ngoài ra, số lao động trung thành, mẫu mực sau khi hết hạn hợp đồng về nước qua Trung tâm lao động ngoài nước nước đăng ký là trên 200 người, trong đó có 177 lao động đã xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc.

Trong 6 tháng đầu năm, trong số 5.000 lao động được chủ sử dụng Hàn Quốc ký hợp đồng, có 4.810 lao động đã thực hiện ký quỹ 100 triệu đồng và 2.179 lao động đã xuất cảnh sang Hàn quốc làm việc.

Có thể nói, với chính sách ưu đãi của phía Hàn Quốc, số lao động đã hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn, muốn quay trở lại làm việc có hai đối tượng: lao động phải tham dự kỳ thi tiếng Hàn và lao động trung thành, mẫu mực. Số lượng lao động đăng ký tham dự hai kỳ thi tiếng Hàn quý I và II đã tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, số lao động trung thành, mẫu mực qua Trung tâm lao động ngoài nước để đăng ký làm thủ tục quay trở lại Hàn Quốc làm việc cũng tăng lên.

- Thưa ông, số lao động Việt Nam không về nước, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc hiện nay đã giảm chưa và biện pháp nào để giảm số lao động này ?

Phó Giám đốc Lương Đức Long: Từ đầu năm đến nay, dưới sự chỉ đạo của Bộ Lao động -Thương binh & Xã hội, các đơn vị chức năng đã phối hợp với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố có nhiều lao động hết hạn hợp đồng trong năm 2014 như Thái Nguyên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Long... triển khai các biện pháp vận động, tuyên truyền lao động làm việc tại Hàn quốc về nước đúng hạn.

Sau khi triển khai tại các tỉnh, thành phố, Cục Quản lý Lao động ngoài nước và Trung tâm Lao động ngoài nước tiếp tục tổ chức các hội nghị ở tuyến huyện.

Nhìn chung, các địa phương đã có sự hợp tác, phối hợp tích cực, mời thân nhân lao động Hàn Quốc đang làm việc đến và đề nghị gia đình vận động người thân trở về đúng hạn.

Văn phòng quản lý lao động Việt Nam theo Chương trình EPS tại Hàn Quốc cũng phối hợp với Ban quản lý lao động tại Hàn Quốc tổ chức tư vấn, vận động người lao động về nước.

Đây là hoạt động được tổ chức tương đối liên tục, thường xuyên, có hiệu ứng nhất định đối với số lao động sẽ hết hạn hợp đồng về nước trong 6 tháng cuối năm 2014.

Theo thông tin do Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc cung cấp, số lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm 2014 có giảm nhưng chưa bền vững.

Từ tháng 4 đến 6/2014, số lao động này vẫn xấp xỉ 39-40 %. Trước đó, tháng 12/2013, có lúc số lao động này giảm xuống dưới 40% nhưng tháng 2-3/2014, tỷ lệ này tăng lên 40-42%, đặc biệt trong tháng 2/2014, tỷ lệ này tăng lên trên 50%.


- Phóng viên: Trước tình hình trên, ngoài tuyên truyền, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ có những biện pháp mạnh nào để tiếp tục giảm số lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng, ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, thưa ông?

Phó Giám đốc Lương Đức Long: Để thực hiện các giải pháp giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn, ngoài tuyên truyền, vận động, Cục Quản lý Lao động ngoài nước và Trung tâm Lao động ngoài nước đã và đang phối hợp với Cơ quan đại diện Việt Nam tại Hàn Quốc tiến hành lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính đối với những người cố tình ở lại cư trú bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng.

Đồng thời, thực hiện Nghị định 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các cơ quan chức năng đang thực hiện việc ký quỹ 100 triệu đối với những người đã được chủ lao động Hàn Quốc lựa chọn.

Với sự nỗ lực của Việt Nam, phía Hàn Quốc đã sửa Luật tuyển dụng đối với lao động nước ngoài, trong đó có việc sửa đổi cách thức chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động.

Cụ thể, thay vì chi trả mỗi năm một tháng lương tại Hàn Quốc, tới đây, ngày 19/7, phía Hàn Quốc sẽ thực hiện chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động Việt Nam về nước đúng hạn và xuất cảnh ở Hàn Quốc trong vòng 14 ngày, ngay tại Việt Nam.

"Biên bản ghi nhớ đặc biệt về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam" trong khuôn khổ Chương trình EPS sắp hết hạn (31/12/2014), vì thế phía Hàn Quốc yêu cầu Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc giảm số lao động hết hạn hợp đồng ở lại cư trú bất hợp pháp, theo đó, phải giảm xuống dưới 30% thì Hàn Quốc mới có thể xem xét mở lại thị trường đối với lao động Việt Nam.

Hiện nay, nhiều người lao động vẫn chưa ý thức được nguy cơ đóng cửa thị trường lao động Hàn Quốc. Vì vậy, bản thân người lao động và gia đình của họ cần có ý thức trách nhiệm đối với lợi ích chung của cộng đồng.

Đồng thời, chính quyền các địa phương (từ cấp quận, huyện, xã, phường) cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện nghiêm chỉnh tinh thần chỉ thị 12/CT-TTg ngày 30/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc thì mới có thể giảm số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc xuống dưới 30%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục