Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới diễn biến rất phức tạp trên các loại hình vận chuyển.
Cụ thể, các đối tượng hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua tuyến biên giới đường bộ Việt Nam-Lào, chủ yếu là gia cầm, đường kính, lâm sản, động-thực vật hoang dã, thuốc lá.... Diễn biến trên tuyến Việt Nam-Campuchia cũng hết sức phức tạp, như ma túy, pháo nổ, vàng, thuốc lá điếu, ngoại tệ, thực phẩm... (tập trung tại biên giới các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang).
[Hải quan “lật tẩy” nhiều thủ đoạn vận chuyển ma túy rất tinh vi]
Đáng chú ý, cơ quan Hải quan cho biết hoạt động vận chuyển hàng hóa gửi kho ngoại quan (Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai) quá cảnh đi Trung Quốc, Campuchia tiếp tục tiềm ẩn rủi ro trong việc đánh tráo, rút ruột thẩm lậu vào nội địa.
Trên tuyến đường biển, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới ở mặt hàng có lợi nhuận cao, như xăng dầu, than, khoáng sản, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, phế liệu, hàng đông lạnh, gia cầm... Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, các chiêu thức mới, hoạt động có tổ chức, như ngụy trang tàu chở hàng lậu thành khai thác thủy sản, gia cố các bồn bể trên các phương tiện xuất nhập cảnh để che đậy việc mua bán, vận chuyển trái phép hàng lậu...
Đặc biệt, cơ quan Hải quan cho hay các mặt hàng động vật hoang dã, như ngà voi, sừng tê giác đang có chiều hướng chuyển dịch từ các cảng biển thuộc khu vực miền Nam, miền Trung ra các tỉnh phía Bắc (như Hải Phòng, Quảng Ninh).
Trên tuyến đường hàng không, các đối tượng lợi dụng quy định về định mức miễn thuế của hành khách xuất nhập cảnh, sự phát triển của thương mại điện tử, phương thức chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi hàng hóa, hành lý,… móc nối trong và ngoài nước, cấu kết hình thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua các cảng hàng không quốc tế (như ma túy, vũ khí, chất nổ, động vật hoang dã quý hiếm, rượu, thuốc lá, các mặt hàng thuốc tân dược, mỹ phẩm, đồ điện tử, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, các loại hàng hóa khác có trị giá cao…).
Đặc biệt, ngành Hải quan cho biết tình hình tội phạm ma túy diễn biến ngày càng phức tạp. Cụ thể, các đối tượng tội phạm ma túy thường lợi dụng đường biên giới dài và sự thông thoáng trong cơ chế, chính sách về xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quy trình thủ tục hải quan và các chính sách quản lý liên quan thuận lợi. Cụ thể, các đối tường trà trộn, cất giấu, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào, Campuchia vào Việt Nam qua các tỉnh Tây Bắc Bộ, miền Trung và Tây Nam Bộ.
Ngành Hải quan cho hay, các vụ việc về ma túy bị bắt giữ trên tuyến đường bộ tập trung tại các địa bàn trọng điểm, như các cửa khẩu tuyến biên giới giáp với Trung Quốc, các cửa khẩu tuyến biên giới giáp với Lào và các cửa khẩu tuyến biên giới giáp với Campuchia.
Bên cạnh đó, tuyến đường biển cũng được đánh giá là địa bàn trọng điểm, tiềm ẩn nguy cơ xuất, nhập lậu chất ma túy, các loại tiền chất có chứa chất gây nghiện, chất hướng thần không có giấy phép của cơ quan chức năng dưới danh nghĩa hàng kinh doanh. Đáng chú ý hơn là hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy vào Việt Nam trên các tuyến hàng không quốc tế (như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng) với các loại ma túy tổng hợp, các loại thuốc tân dược có chứa chất gây nghiện, hướng thần, cần sa.
Trước tình hình trên, Tổng cục Hải quan cho biết đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389-Bộ Tài chính ban hành công văn số 06/BCĐ389-ĐVTT ngày 28/4/2023, về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và thất thu thuế trong thời gian tới. Cơ quan Hải quan cũng chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo cho các Cục Hải quan tỉnh thành phố, hướng dẫn thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại ./.
Kết quả bắt giữ và xử lý vi phạm: Từ ngày 16/4-15/5, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý: 1.358 vụ việc, trị giá hàng hóa ước tính 670 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 2 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 36 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước trên 20 tỷ đồng. Lũy kế 5 tháng, toàn ngành đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 6.540 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa lên tới 2.120 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 12 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 59 vụ và thu nộp ngân sách Nhà nước 288 tỷ đồng. Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý: Từ ngày 16/4-15/5, ngành đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ 23 vụ/27 đối tượng. Tang vật thu được gồm 13,2 kg Heroin; 25,4 kg ketamin; 16,8 kg Methamp-hetamin; 86,6kg MDMA (thuốc lắc); 186 viên MDMA (dạng viên) và 108 gram Amphera-mine. Lũy kế 5 tháng, cơ quan Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng phát hiện, bắt giữ 93 vụ/111 đối tượng. Tang vật thu được gồm 0,95 kg thuốc phiện; 44,4 kg Heroin; 4,5 kg Cần sa; 15 kg cocain; 110 kg ketamin và 8.400 ketamin dạng viên; 43,7 kg Methamp-hetamin; 5,5 kg Amphera-mine; 311 kg MDMA (thuốc lắc) và 224 MDMA dạng viên; 2,1 kg ma túy các loại khác. |